Vượt qua các chứng bệnh thường gặp khi bầu bí

Khi mang thai là lúc cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, vì vậy, một số bệnh cũng dễ “hỏi thăm” và gây nhiều phiền toái.

Khi mang thai là lúc cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, vì vậy, một số bệnh cũng dễ “hỏi thăm” và gây nhiều phiền toái. Bài viết dưới đây sẽ giúp bà bầu vượt qua các chứng bệnh thường gặp để luôn khỏe mạnh trong thai kỳ.

Buồn nôn

Chứng buồn nôn khi thai nghén (khoảng 3 tháng đầu) thì gần như chị em nào cũng trải qua ở các mức độ khác nhau. Chứng buồn nôn sẽ là bình thường nếu như nó ở mức độ chấp nhận được: thai phụ chỉ buồn nôn ở thời điểm nào đó như lúc sáng sớm, khi đói hoặc no quá và không nôn hết thức ăn vừa dung nạp. Qua 3 tháng thai nghén, chứng nôn sẽ hết dần. Nhưng chứng buồn nôn và nôn cần được can thiệp bằng các giải pháp khi: thai phụ buồn nôn liên tục trong suốt quá trình mang thai. Buồn nôn bất cứ lúc nào và giữ lại được rất ít thức ăn vừa ăn. Nặng hơn nữa, nhiều chị em không thể làm được việc gì vì chứng buồn nôn hành hạ. Buồn nôn và nôn (chứng nôn nghén) nghiêm trọng có liên quan đến giảm cân, mất nước cùng rối loạn điện giải và có thể phải nhập viện.

Có khoảng 50% bà bầu bị đau lưng trong quá trình mang thai.

Nguyên nhân gây buồn nôn và nôn trong thai kỳ không rõ ràng, có thể do nhiều yếu tố. Sự gia tăng các hormon estrogen và progesteron trong thời gian thai kỳ được xem là một yếu tố gây ra chứng nôn ở thai phụ. Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc bổ sung vitamin, sắt hàm lượng cao…), tình trạng bệnh lý của thai phụ (viêm loét đường tiêu hóa), một số mùi thức ăn gây khó chịu... cũng là những yếu tố thuận lợi khiến thai phụ bị nôn. Thai phụ có thể được trấn an rằng buồn nôn và nôn nhẹ đến trung bình sẽ không ảnh hưởng đến  sự phát triển của bé. Tuy nhiên, tình trạng không ngừng  nôn và buồn nôn trong nhiều tháng sẽ làm thai phụ suy nhược, mệt mỏi và ảnh hưởng sự phát triển thai nhi khi lượng thức ăn cung cấp không đủ.

Thai phụ nên làm gì khi bị nôn?

Không vì sợ nôn mà để bụng đói, hãy chia thành những bữa ăn nhỏ và uống ít nước thường xuyên. Buổi sáng thức dậy nên ăn ít bánh ngọt khoảng 15 - 20 phút trước khi đứng dậy. Cần nghỉ ngơi, thư giãn. Nên uống các thuốc bổ sung vitamin, sắt sau bữa ăn và nên dùng với hàm lượng thấp. Tránh dùng các thức ăn có mùi khó chịu… Cần đến gặp bác sĩ nếu tình trạng nôn nghiêm trọng và kéo dài, sụt cân, có dấu hiệu mất nước (khô mũi, khô môi, nước tiểu vàng đậm).

Hoa mắt, chóng mặt

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do sự tăng lên của hormon và sự  giãn mở rộng thành mạch máu để cung cấp máu cho thai nhi. Khi huyết áp thấp hơn bình thường sẽ giảm lượng máu lưu thông tới não bộ và gây ra chứng hoa mắt, chóng mặt. Sự lớn lên của thai nhi sẽ tạo áp lực lên thành mạch, cũng là nguyên nhân gây ra chứng hoa mắt, chóng mặt cho bà bầu. Nếu bà bầu nào lại thường xuyên nằm ngửa thì hiện tượng này càng kéo dài hơn vì trọng lượng cơ thể của bé sẽ đặt hẳn lên thành mạch máu. Những phụ nữ bị thiếu máu hoặc bị giãn tĩnh mạch sẽ gặp tình trạng hoa mắt chóng mặt nhiều hơn những người bình thường. Khi ăn không đủ hoặc bị nôn quá nhiều, bà bầu có thể bị hạ đường huyết khiến bị hoa mắt, thậm chí là ngất. Thiếu nước có thể cũng gây nên ảnh hưởng tương tự. Nhiều thai phụ cảm thấy choáng váng khi bị ho, đi tiểu hoặc đi tiêu. Những tác động này có thể khiến bạn bị hạ huyết áp dẫn tới hoa mắt.

Để đối phó với tình trạng hoa mắt chóng mặt khi mang thai, bà bầu cần tránh tư thế đứng khi bạn vừa rời khỏi giường hoặc một chiếc ghế. Nếu nằm, bạn nên trở dậy từ từ. Sau đó, bạn nên đứng im một chỗ trong vòng ít phút. Bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, duy trì những bữa ăn nhỏ bên cạnh 3 bữa chính. Tuyệt đối không nên để cơ thể bị đói lả. Tránh tắm hơi khi mang thai. Bà bầu nên tránh nằm ngửa (bởi lúc này bào thai đã chèn lên các mạch máu lớn của mẹ, tạm thời ngăn cản hệ tuần hoàn). Điều này không chỉ gây hoa mắt, chóng mặt, xanh xao mà còn làm giảm cung cấp oxy cho bào thai, dù chỉ là tạm thời.

Hiện tượng chuột rút khi bầu bí

Khi mang thai, chị em dễ bị chuột rút khiến các bắp thịt co thắt đột ngột gây đau nhức và khó di chuyển. Chuột rút thường xảy ra vào quý 2 và quý 3 của thai kỳ, chủ yếu vào thời điểm ban đêm. Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị chuột rút, chủ yếu là do sự gia tăng trọng lượng cơ thể một cách đột ngột khiến các cơ chân phải vận động hết công suất để nâng đỡ cơ thể, từ đó gây mỏi cơ, căng cơ quá mức. Bà bầu thường bị ốm nghén, nôn ói vào những tháng đầu thai kỳ khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, mất nước, mất cân bằng điện giải... dẫn đến chứng co cứng cơ. Khi mang thai cũng là lúc nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao, nếu không được đáp ứng đầy đủ thì cơ thể mẹ có xu hướng tự "rút" canxi để truyền cho bé và từ đó mẹ bầu dễ bị chuột rút.

Khi bị chuột rút thường xuyên, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ lượng canxi cần thiết từ thực phẩm giàu canxi như sữa, hải sản, rau lá xanh... Bà bầu cũng nên chú trọng vận động cơ thể thường xuyên với cường độ vừa phải, tránh tình trạng đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu sẽ khiến bị chuột rút nặng hơn. Hãy tranh thủ massage từ đùi đến bắp chân, các ngón chân, mắt cá... để máu được lưu thông tốt hơn. Khi bị chuột rút, bạn cần thực hiện vài động tác đơn giản để cắt đứt cơn đau như duỗi thẳng chân, xoa bóp các cơ bị co rút, kéo gót chân, cổ chân, ngón chân lại rồi hướng lên trên. Khi cơn đau đã hạ, bạn hãy đi bộ quanh nhà vài phút.

Đau lưng khi mang thai

Có khoảng 50% bà bầu bị đau lưng, nhiều nhất là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, thường xảy ra ở khớp cùng xương chậu nơi tiếp giáp với cột sống. Có nhiều lý do xảy ra đau lưng tại vị trí trên. Chứng đau lưng ở bà bầu có liên quan đến đau thần kinh tọa. Việc thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm nới lỏng các khớp và dây chằng nối với xương chậu, cột sống và gây đau. Khi mang bầu, cơ bụng trở nên yếu ớt và bị giãn mạnh do tác động từ sự phát triển của thai khiến cho vùng cơ lưng bị chèn ép gây đau lưng. Thai nhi càng phát triển, lưng mẹ phải cong về phía trước nhiều hơn và ngày càng mỏi hơn. Ngoài ra, tư thế đứng, di chuyển hoặc nhấc đồ vật không đúng cách cũng có khả năng gây tổn thương đến các cơ chằng vùng lưng.

Để hạn chế đau lưng khi mang thai, bà bầu cần chịu khó vận động vừa sức, không ngồi một chỗ quá lâu, thay đổi tư thế khi nằm ngủ, không mang vác vật nặng...

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.