Các yếu tố nguy cơ đẫn đến Đái tháo đường thai kì

SKNT - Mang thai là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ. Một thai kỳ khỏe mạnh luôn là mong ước của tất cả các bà bầu. Tuy nhiên, để mang được một sinh linh bé nhỏ đến với thế giới này không phải là quá trình dễ dàng bởi vì khi mang thai cũng có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con. Đặc biệt bệnh đái tháo đường thai kỳ ngày nay đang được toàn cộng đồng quan tâm vì tốc độ gia tăng nhanh chóng và những biến cố nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Đái tháo đường thai kỳ được định nghĩa là tình trạng không dung nạp carbohydrat được phát hiện lần đầu khi mang thai. ĐTĐ thai kỳ không phải là một vấn đề đơn giản, nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Mẹ bầu có thể mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén và nguy cơ bị đái tháo đường thực sự trong tương lai…Còn với thai nhi, Đái tháo đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ bị dị dạng bẩm sinh, gây suy hô hấp, nặng hơn là gây rối loạn chuyển hóa sơ sinh như hạ đường huyết, hạ calci máu, đa hồng cầu… Chính vì vậy, khi nghe bác sĩ kết luận bị ĐTĐ thai kỳ, tâm lý chung của tất cả các bà mẹ là cảm thấy rất hoang mang, lo lắng. Mặc dù vậy, bạn cũng đừng nên quá sợ hãi, bởi nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt, bạn hoàn toàn có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh mà không bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường. Để phát hiện sớm, các bà mẹ nên tìm hiểu kĩ các yếu tố nguy cơ gây ra đái tháo đường thai kỳ. Bất kỳ người phụ nữ mang thai nào cũng có thể phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ, nhưng một số phụ nữ có nguy cơ lớn hơn. Yếu tố nguy cơ bệnh đái tháo đường thai kỳ bao gồm:

Thứ nhất: Tuổi và chỉ số cơ thể

Các nghiên cứu dịch tễ học về đái tháo đường thai kỳ phát hiện nhiều điểm chung giống với đái tháo đường týp 2, những phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ có xu hướng hay gặp ở những người trên 25 tuổi, thừa cân, béo phì. Còn ở Việt Nam cũng đã có một vài nghiên cứu về vấn đề này, lứa tuổi hay gặp của những sản phụ được chuẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thường trên 35, thường gặp ở những người thừa cân, béo phì có chỉ số BMI trên 23. Nguy cơ mắc bệnh của nhóm có BMI ≥ 23 cao gấp hơn 2 lần so với nhóm có BMI< 23.

Thứ hai: những bất thường trong tiền sử như gia đình có người mắc đái tháo đường (quan hệ huyết thống bậc 1) vốn được xem là nguy cơ của đái tháo đường týp 2 và đái tháo đường thai kì. Ngoài ra, nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ tăng lên ở nhóm đối tượng có tiền sử sản khoa bất thường (sảy thai, đẻ non, thai chết lưu ).

Thứ 3: Các yếu tố nguy cơ về lối sống, mức độ hoạt động thể lực như làm công việc nhẹ nhàng hay tĩnh tại, ngồi nhiều không tập thể dục hoặc tập thể dục dưới 30 phút mỗi ngày đã được xác định là những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường týp 2 và cũng cho cả đái tháo đường thai kỳ.

Thứ 4: Số lần sinh con của bà mẹ cũng là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ. Nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao hơn ở các bà mẹ đã sinh con so với các bà mẹ trước đây chưa sinh con lần nào.

Để phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ thai phụ nên khám thai định kỳ, làm xét nghiệm (Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm đường máu ngay từ lần khám thai đầu tiên và làm nghiệm pháp tăng đường máu ở tuần thứ 24 -28), kiểm soát cân nặng, huyết áp... Thai phụ nên có chế độ dinh dưỡng, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý đặc biệt không nên ăn quá nhiều đồ ăn có hàm lượng đường cao trong thai kỳ.

Thu Hiền

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.