Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Người bệnh Đái tháo đường phải biết tự học hỏi qua sách báo, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các nhà chuyên môn, qua bè bạn để tích luỹ cho mình sự hiểu biết đúng đắn và những kiến thức cần thiết, cơ bản về bệnh Đái tháo đường. Đây là điều hết sức quan trọng và cấp thiết vì chính người bệnh sẽ biết mình phải làm gì và không nên làm gì. Mọi lời khuyên, lời chỉ dẫn của thày thuốc sẽ trở nên vô nghĩa, nếu người bệnh còn nghi ngờ và không làm theo, do không có sự hiểu biết đúng.
1) Những điều bệnh nhân cần biết
- Những thông tin cần cho sự tự theo dõi bệnh, cách phát hiện sớm các biến chứng của bệnh, để có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Những kỹ thuật cần cho tự điều trị bằng thuốc, kỹ thuật cần cho qúa trình tự theo dõi bệnh.
- Những kiến thức về chọn thuốc, về những tác dụng của thuốc, những khả năng có thể xảy ra khi dùng thuốc,…. Thái độ cần có khi những tác dụng ngoại ý có thể xảy ra khi dùng thuốc.
- Những kiến thức cần và đủ để người bệnh tự tìm một chế độ ăn phù hợp, một lối sống phù hợp với nghề nghiệp, với thói quen sinh hoạt của cá nhân và gia đình.
- Kiến thức cơ bản về quá trình phát sinh phát triển bệnh.
2) Những điều bệnh nhân phải tránh:
- Tin rằng Đái tháo đường có thể chữa được bằng bùa, ngải, cầu cúng, bằng thuốc nam, bằng cách ăn nhiều gan, tuỵ động vật,...
- Quá lo lắng khi biết mình bị Đái tháo đường, lo cho con cháu và thế hệ sau này bị "lây". Thực tế Đái tháo đường cũng như các bệnh không lây nhiễm khác, bệnh phát triển là một tất yếu; do nhiều yếu tố liên quan cùng bị ảnh hưởng nên bệnh mới phát sinh, phát triển. Trong thực tế không phải luôn luôn cứ đời cha hoặc mẹ mắc bệnh Đái tháo đường thì con cũng bị Đái tháo đường. Hơn nữa, ngày nay người ta thấy bệnh Đái tháo đường có thể ngăn chặn và phòng bệnh được.
3) Người bệnh phải tự giác chấp hành nghiêm túc các hướng dẫn của thày thuốc về chế độ ăn, chế độ luyện tập và chế độ sử dụng thuốc một cách kiên trì, tỉ mỉ.
4) Biết tự phát hiện những dấu hiệu không bình thường để tự điều chỉnh chế độ điều trị hoặc đến khám thày thuốc kịp thời, không để xảy ra những tai biến đáng tiếc.
5) Biết phổ biến kinh nghiệm cho bạn bè, đồng nghiệp. Biết giúp người thân, quen phát hiện các yếu tố nguy cơ, can thiệp kịp thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ phát triển bệnh. Phổ biến kinh nghiệm tự quản lý bệnh cho những người cùng hoàn cảnh,...
6) Biết theo dõi
a/ Theo dõi chế độ điều trị
- Chế độ ăn
- Chế độ luyện tập
- Thuốc điều trị
b/ Theo dõi tình trạng chung của cơ thể:
- Chỉ số BMI (Body Mass Index) = Cân nặng (kg)/(Chiều cao)2 (chiều cao tình bằng mét)
Ví dụ: một người nặng 46kg cao 1,53m BMI = 46kg/(1,53)2 = 19,7
- Số đo vòng eo
- Số đo huyết áp
- Các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng khác:
+ Đường máu lúc đói, chỉ số HbA1c
+ Protein niệu, Xêton niệu
c / Những chỉ số theo dõi đặc biệt:
- Khám mắt trung bình 6 tháng/1 lần
- Khám biến chứng bàn chân 6 tháng/1 lần
- Có Protein niệu không?- chỉ số thăm dò sớm nhất là Micro Albumin (nếu không có điều kiện thì làm Protein niệu 24 giờ ) dài nhất 6 tháng kiểm tra 1 lần.
- HbA1C: Là chỉ số để đánh giá tình trạng quản lý đường máu tiên lượng biến chứng lâu dài của bệnh Đái tháo đường. Đây là phương pháp đo lượng đường gắn vào hồng cầu. Lượng đường này không được sử dụng để tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động, nó ít chịu ảnh hướng bởi sự thay đổi của nồng độ đường trong máu ngoại vi, hơn nữa đời sống trung bình của hồng cầu từ 90 - 120 ngày, nên sự phản ánh nồng độ đường ổn định hơn. Mặt khác, nếu chỉ kiểm tra đường máu lúc đói (vào buổi sáng) sẽ không kiểm soát được nồng độ đường máu sau ăn. Đây sẽ là một khiếm khuyết lớn, vì nhiều bằng chứng cho thấy tổn thương các mạch máu nhỏ có liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi này.
Vì vậy, sự phản ánh của HbA1C được xem là sự “phản ánh thật” về lượng đường tồn tại trong máu, nó trung thành hơn so với chỉ số đường máu lúc đói mà ta thường làm hiện nay. Trong điều trị nếu giảm được 1% HbA1C, thì sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ 20 - 25%. Thời gian để kiểm tra HbA1C thường 3 tháng/1lần.
Ths.Bs Đỗ Đình Tùng