Hội nghị lần thứ 68 Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương: Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng của ngành Y tế trong Cấp cứu tai nạn giao thông và Quản lý chất lượng bệnh viện – An toàn người bệnh

SKNT - Từ ngày 09 đến 13/10/2017, tại thành phố Brisbane, Australia, Hội nghị lần thứ 68 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đang diễn ra với sự tham dự của các Bộ trưởng Y tế và quan chức cấp cao ngành Y tế đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Guam (Mỹ), Trung Quốc, Samoa thuộc Mỹ, Australia, Brunei Darussalam, Campuchia… Kỳ họp quan trọng này nhằm đặt ra các ưu tiên và hành động quan trọng để mang lại sức khoẻ tốt hơn cho gần 1,9 tỷ người. Đoàn đại biểu Việt Nam do GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn cùng các đại biểu là lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Y tế đã tham dự Hội nghị.

Theo số liệu của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong 900 người mỗi ngày cho những người ở độ tuổi từ 10 – 49 ở vùng Tây Thái Bình Dương. Chính vì vậy, các quốc gia thành viên đã thông qua Kế hoạch Hành động khu vực đầu tiên về phòng chống tai nạn thương tích ở khu vực Tây Thái Bình Dương (2016-2020) tại kỳ họp thứ 66 của Uỷ ban khu vực vào năm 2015, trong đó  tai nạn giao thông đường bộ là một sự ưu tiên. Phòng chống và cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ luôn là một chủ đề đầy thách thức đối với Bộ Y tế các nước.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục QLKCB (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng Lãnh đạo ngành Y tế Australia, Trung Quốc và Fiji chủ tọa hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ.

Tại kỳ họp 68 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Australia, Trung Quốc và Fiji được chọn là những quốc gia nhiều kinh nghiệm trong tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ, có những đóng góp tích cực cho Tổ chức Y tế thế giới trong thực hiện Kế hoạch hành động cải thiện các chỉ số An toàn Giao thông. Lãnh đạo Bộ Y tế và GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam đã phân công PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thay mặt cho đoàn Việt Nam cùng đại diện 03 nước nói trên chủ trì Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê đã có bài báo cáo với các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương, nêu lên những kinh nghiệm quan trọng của Việt Nam, đó là sự quan tâm, chỉ đạo đồng bộ từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ngành liên quan. Việt Nam đã thành lập Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mà Bộ Y tế là một thành viên. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ làm Chủ tịch, Bộ Y tế cử Thứ trưởng Bộ Y tế và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là cơ quan thường trực chỉ đạo công tác cấp cứu an toàn giao thông.  Bộ Y tế với trách nhiệm cấp cứu và xử trí sau tai nạn giao thông, đã đề xuất với Chính phủ xây dựng kế hoạch Hành động Quốc gia về An toàn giao thông; củng cố hệ thống cấp cứu và  xây dựng Đề án cấp cứu an toàn giao thông trên đường cao tốc của Việt Nam. Theo đó, hệ thống này đã củng cố các cơ sở cấp cứu, các trạm cấp cứu ban đầu, trung tâm 115 ở các tỉnh, các khoa cấp cứu ở các bệnh viện trong cả nước. Trong hệ thống cộng đồng, Việt Nam đã xây dựng hệ thống các trạm, hệ thống cấp cứu ngoại viện,  xây dựng các hệ thống chuyên môn sơ cấp cứu ban đầu

Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tích cực triển khai tổ chức các khóa tập huấn cấp cứu ban đầu cho các đối tượng tham gia giao thông như cảnh sát giao thông, lái xe, người đang học lái xe; phối hợp với các tổ chức như Hội chữ thập đỏ triển khai hệ thống cấp cứu ban đầu tại các trạm y tế và các cơ sở chữ thập đỏ; xuất bản các cuốn sách về An toàn giao thông, tài liệu truyền thông về cấp cứu An toàn giao thông và đặc biệt là hướng dẫn đánh giá chấn thương, tai nạn thương tích qua các số liệu hệ thống các bệnh viện như số liệu tai nạn giao thông do các nguyên nhân xe máy, người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô, tai nạn do uống rượu bia khi tham gia giao thông… làm căn cứ đánh giá và đề xuất các can thiệp trong cộng đồng cũng như các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo các đơn vị như Đại học Y tế Công cộng, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy tích cực tham gia đánh giá, nghiên cứu để có những bằng chứng khoa học và các tài liệu giúp cho các nhà hoạch định chính sách, cũng như xây dựng các hướng dẫn chuyên môn cho toàn hệ thống. Từ những hoạt động này, Bộ Y tế cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm là cần phối hợp hết sức chặt chẽ giữa các lực lượng như cảnh sát giao thông, lực lượng cấp cứu ban đầu, các số điện thoại di động để sẵn sàng tham gia ứng cứu cho người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông; đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức tập huấn, giúp người tham gia giao thông để có kiến thức sơ cấp cứu ban đầu và đặc biệt củng cố hệ thống cấp cứu ban đầu trong toàn quốc.

Cũng trong ngày 10.10.2017, theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ Y tế, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê đã thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam báo cáo tại hội thảo chủ đề “Quản lý chất lượng Bệnh viện – An toàn người bệnh”. Đây là chủ đề mà trong phiên khai mạc, Ngài Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã đánh giá là rất quan trọng và mời đại diện 4 nước Australia, Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc chủ trì hội thảo. Tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh được Bộ Y tế giao nhiệm vụ làm đầu mối xây dựng Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện vào năm 2012 và được áp dụng tại các bệnh viện từ 2013 đến nay. Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm”, Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã được xây dựng vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn cao, có ý nghĩa thiết thực trong việc đo lường, định hướng và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đặc biệt là rất chú trọng vấn đề An toàn người bệnh. Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với JICA (Nhật Bản) để thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn Quản lý chất lượng bệnh viện- An toàn người bệnh cho nhân viên y tế trên toàn quốc .

Cùng với công tác Quản lý chất lượng Bệnh viện- An toàn người bệnh, Việt Nam rất chú trọng vấn đề An toàn sử dụng thuốc, kê đơn thuốc hợp lý trong khám bệnh chữa bệnh; đặc biệt là phòng chống kháng kháng sinh. Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đã phối hợp tổ chức những chiến dịch truyền thông rất lớn về phòng chống kháng kháng sinh với khẩu hiệu: Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa.

Các hoạt động về Quản lý Chất lượng Bệnh viện – An toàn người bệnh đã thực sự trở thành một trong những tiêu chí phấn đấu và thực hiện ở các bệnh viện Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề xuất tiến tới phân hạng bệnh viện gắn với các tiêu chí chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh; gắn việc chi trả bảo hiểm y tế với chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh.  Các bộ câu hỏi để đánh giá sự hài lòng của người bệnh trong hệ thống khám bệnh chữa bệnh đã được các bệnh viện áp dụng, tổng hợp kết quả và thường xuyên báo cáo về Bộ Y tế.

Báo cáo của Việt Nam với các chủ đề: “Kinh nghiệm cấp cứu tai nạn giao thông của Việt Nam”  “Quản lý chất lượng bệnh viện – An toàn người bệnh”  được Ngài Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và đại biểu các nước bạn đánh giá rất cao. Cũng nhân dịp này, thay mặt cho đoàn đại biểu Việt Nam, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Tổ chức Y tế thế giới, WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và các bạn quốc tế đã tích cực chia sẻ và đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam trong suốt thời gian qua; đồng thời bày tỏ mong muốn được tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bạn đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tổng hợp

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.