Mổ lấy thai chọn phương pháp vô cảm nào là tốt nhất?

SKNT - Thời gian gần đây trên mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt thông tin ”cấm gây tê tủy sống khi mổ đẻ” gây hiểu sai trong dư luận. Tuy nhiên trên thực tế, Bộ Y tế khẳng định, chỉ áp dụng không gây tê tuỷ sống với các trường hợp sản phụ bệnh lý còn đại đa số các trường hợp bà mẹ bình thường thì vẫn áp dụng phương pháp này.

Có thể  nhận thấy một điều là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, người ta có thể dễ dàng tìm kiếm, tra cứu các thông tin liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khoẻ, hay còn gọi là bác sĩ google. Tuy nhiên, để hiểu một vấn đề, một sự việc thì cần phải tìm hiểu từ các nguồn tin chuyên môn chính xác từ các cơ quan quản lý, các bác sĩ có chuyên môn cao. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS. BS Trần Văn Cường – Trưởng khoa mổ hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội  để giúp người bệnh hiểu rõ hơn: ” Mổ lấy thai chọn phương pháp vô cảm nào tốt nhất?”

 MỔ LẤY THAI CHỌN PHƯƠNG PHÁP VÔ CẢM NÀO TỐT NHẤT?

Bạn là sản phụ có chỉ định mổ lấy thai, bạn phân vân không biết liệu phương pháp vô cảm nào là tốt nhất đối với bạn

Phần lớn các trường hợp mổ lấy thai (MLT) được vô cảm bằng phương pháp tê vùng đó là tê tủy sống (TTS) hoặc tê ngoài màng cứng (NMC) thậm chí phối hợp cả hai phương pháp (CSE)

Tê tủy sống là gì?

Bác sỹ gây mê sẽ tiêm một lượng thuốc tê vừa đủ vào khoang dưới nhện ở vị trí thắt lưng sản phụ, thuốc tê nhanh chóng tác dụng làm bạn mất cảm giác và vận động nửa thân dưới, sản phụ hoàn toàn tỉnh táo trong suốt cuộc mổ. TTS là phương pháp được ưa dùng nhất.

Ưu điểm :

  1. Kỹ thuật dễ thực hiện
  2. Thời gian chờ mổ ngắn
  3. Giảm đau tốt trong vòng 4h đầu sau mổ, mẹ mau hồi phục.
  4. Mẹ tỉnh táo giúp việc tiến hành da kề da thuận lợi
  5. Con khỏe, không ảnh hưởng thuốc gây tê

Nhược điểm :

  1. Thay đổi huyết động đột ngột sau TTS gây ra hạ huyết áp, mạch chậm. Bác sỹ gây mê sẽ dùng thuốc để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên đây là lý do không một bác sỹ gây mê nào TTS cho những sản phụ đang hoặc có nguy cơ chảy máu nhiều ( rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược), những sản phụ có nguy cơ rối loạn đông máu (rau bong non, tiền sản giật nặng) và những sản phụ có bệnh lý tim mạch nặng nề, nhiễm trùng toàn thân nặng.
  2. Đau đầu sau gây tê tần suất gặp 1/500 sản phụ được TTS. Trường hợp nặng có thể kéo dài đến 1 tuần, bác sỹ gây mê sẽ điều trị cho bạn hết triệu trứng.

Tê ngoài màng cứng là gì ?

Bác sỹ gây mê sẽ bơm một lượng thuốc tê vừa đủ qua catheter vào khoang NMC ở vị trí thắt lưng sản phụ, thuốc tê phát huy tác dụng làm bạn mất cảm giác vùng phẫu thuật có thể giảm vận động nửa thân dưới, sản phụ cũng tỉnh táo trong khi được phẫu thuật. Tê NMC là phương pháp ít được dùng hơn TTS, thường áp dụng cho những trường hợp đã giảm đau trong đẻ song vì các lý do sản khoa sản phụ không sinh thường được phải chuyển mổ.

Việc phối hợp TTS và NMC rất phổ biến nhằm đạt vô cảm nhanh và duy trì giảm đau sau mổ kéo dài

Ưu điểm :

  1. Ít thay đổi huyết động
  2. Giúp giảm đau tốt sau mổ trong vòng 48h bằng việc truyền thuốc liên tục qua catheter NMC giúp mẹ nhanh hồi phục
  3. Mẹ tỉnh táo thực hiện da kề da dễ dàng
  4. Con khỏe không ảnh hưởng thuốc gây tê

Nhược điểm :

  1. Thời gian chờ mổ kéo dài (10-15 phút)
  2. Kỹ thuật gây tê phức tạp hơn, phải lưu catheter trong thời gian cần giảm đau.

Gây tê vùng là phương pháp an toàn hiệu quả, giúp giảm tỷ lệ tai biến trong gây mê, tuy nhiên một lượng nhỏ sản phụ vẫn cần gây mê toàn thân cho cuộc mổ, đó là những sản phụ không được phép TTS như đã đề cập ở trên và những trường hợp suy thai nhịp tim thai chậm cần lấy thai khẩn cấp.

Gây mê toàn thân là gì ?

Gây mê toàn thân gây ra tình trạng mất ý thức và cảm giác hoàn toàn, sản phụ được thở bằng máy qua ống nội khí quản. Bác sỹ gây mê sẽ theo dõi các dấu hiệu quan trọng của bạn, duy trì trạng thái mê và giúp bạn thức tỉnh khi cuộc mổ kết thúc.

Ưu điểm :

  1. Ít thay đổi huyết động, có thể kéo dài vô cảm nếu cuộc mổ phức tạp.
  2. Lấy thai nhanh trong trường hợp khẩn cấp

Nhược điểm :

  1. Nguy cơ trào ngược có thể sảy ra ở các trường hợp mê toàn thể do sự giãn các cơ đường tiêu hóa, nguy cơ này cao hơn ở sản phụ do dạ dày bị tử cung đẩy nằm ngang gây ra viêm phổi và các tổn thương khác
  2. Đặt nội khí quản cho sản phụ khó khăn do thay đổi giải phẫu trong quá trình mang thai dẫn đến nguy cơ suy hô hấp.
  3. Ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh do ngấm thuốc mê
  4. Không tiến hành da kề da trên sản phụ gây mê
  5. Sản phụ thường đau ngay khi thức tỉnh
  6. Sản phụ có cảm giác ngầy ngật sau gây mê

Không có phương pháp nào tốt nhất đối với mọi sản phụ mà chỉ có phương pháp thích hợp với từng trường hợp cụ thể. Bài viết này nhằm giúp các bạn hình dung phương pháp vô cảm của mình khi mổ lấy thai. Chúc các bạn có cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp!

                                                                                                  TS BS TRẦN VĂN CƯỜNG

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.