Trứng gà, trứng vịt loại nào bổ hơn?
Trứng gà, trứng vịt và trứng vịt lộn loại nào bổ hơn, nó khác nhau ở những chất gì. Nghe nói những người bị phong tê thấp không nên ăn trứng vịt vì trứng vịt độc và lạnh có đúng không? Phụ nữ mang thai và sau khi sinh có ăn được không?
Trứng là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao và cân bằng dinh dưỡng nhất trong các loại thực phẩm mà từ trẻ em đến phụ nữ mang thai và người già đều ăn được (trừ một số ít dị ứng với trứng). Theo bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2006 thì trong trứng chứa protein, lipit, gluxit, các chất sắt, canxi, phốt pho, be-ta caroten, vitamin A, B1,B2, PP... (riêng trong trứng lộn còn có thêm vitamin C) cần thiết cho cơ thể. Nếu so sánh thành phần dinh dưỡng trong 100g (trứng gà, vịt và vịt lộn) thì trong trứng vịt lộn có hàm lượng sắt, canxi, phốt pho, beta-caroten, vitamin A, PP cao hơn hẳn trứng gà, và trứng vịt thường. Ví dụ: vitamin A trong trứng gà: 700mcg, trứng vịt thường: 360mcg, vịt lộn: 875mcg; canxi trong trứng gà: 550mg, trứng vịt thường 710mg, vịt lộn 820mg.
Nếu so về năng lượng thì trứng gà: 166 Kcal/100g, trứng vịt thường 484 Kcal, vịt lộn: 162 Kcal. Như vậy, về thành phần dinh dưỡng thì cả 3 loại trứng đều bổ và không độc, mọi người đều ăn được kể cả người bị phong tê thấp và rất tốt cho phụ nữ mang thai và sau sinh. Tuy nhiên, với người có cholesterol cao, béo thì nên hạn chế, chỉ nên dùng 2-3 quả/1 tuần. Chú ý, khi ăn trứng nên ăn cả lòng trắng và lòng đỏ. Trước kia, một số người cho lòng đỏ trứng là tốt nên thường ăn lòng đỏ và bỏ lòng trắng và cho rằng lòng trắng khó tiêu là sai lầm vì chính lòng trắng có chất lecithin giúp chuyển hoá cholesterol. Tốt nhất là ăn kèm sữa vì sữa có nhiều lecithin giúp trung hoà cholesterol.
BS. TRẦN KIM ANH