Người tiểu đường có thể bị mù nếu quên khám mắt
Người tiểu đường mắc bệnh võng mạc đái tháo đường mà không biết.
Đầu năm 2012, bệnh nhân phát hiện mình mắc căn bệnh đái tháo đường. Thời điểm đó, số lượng bệnh nhân mắc đái tháo đường vẫn chưa nhiều như bây giờ. Nhờ tuân thủ đúng phác đồ điều trị, nghe theo lời khuyên của bác sĩ, chỉ sau nửa tháng điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã được ra viện và điều trị ngoại trú. Cũng từ đó, nhờ thực hiện lối sống lành mạnh hơn, ăn uống sinh hoạt điều độ và luyện tập thể dục thường xuyên nên căn bệnh tiểu đường cũng vì thế mà nhẹ hẳn đi. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng chỉ nghĩ duy trì các công việc và thói quen đó để làm sao kiểm soát tốt đường huyết chứ chưa bao giờ nghĩ phải thường xuyên kiểm tra mắt.
Những chủ quan này có lẽ rất nhiều những bệnh nhân tiểu đường khác đều mắc phải. Khi mắc tiểu đường thấy mắt chưa có biểu hiện bất thường, vẫn nhìn rõ nên không theo dõi và khám định kỳ.
Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: “Phần lớn các bệnh nhân tiểu đường đều không theo dõi và khám mắt định kỳ. Đến khi thấy mắt có dấu hiệu bất thường như: nhìn mờ đi, không rõ mới đi khám thì đã muộn. Điều nguy hiểm là bệnh về mắt do biến chứng tiểu đường ít dấu hiệu cảm nhận được, nên bệnh nhân phát hiện muộn hơn”.
Ở Việt Nam, dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng số lượng bệnh nhân mắc bệnh lý võng mạc đái tháo đường đang ngày càng trẻ hóa và có xu hướng gia tăng. Biến chứng ở mắt do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trong độ tuổi lao động. Theo thống kê, năm 2015 có tới 387 triệu người trên toàn thế giới mắc đái tháo đường, dự kiến con số này sẽ tăng lên tới 529 triệu người vào năm 2035. Trong đó có tới 46% người bị đái tháo đường không được chẩn đoán và không nhận biết được biến chứng nguy hiểm gây ra bởi đái tháo đường. 53% bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng mạch máu nhỏ. Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao gặp phải biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe như biến chứng ở thận, não, tim và mắt, trong đó 1/3 số bệnh nhân đái tháo đường được thống kê bị biến chứng mắt hoặc võng mạc.
Diễn biến bệnh này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Thời gian bị đái tháo đường, mức độ kiểm soát đường máu và các yếu tố khác như tăng huyết áp, tăng lipid máu, bệnh thận, có thai... Hiện nay, chỉ có khoảng hơn 30% người bệnh đái tháo đường được theo dõi mắt. Tùy theo tổn thương ở võng mạc, tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc tiểu đường mà bệnh nhân được điều trị bằng những biện pháp khác nhau. Hiện nay có 3 phương pháp được dùng trong điều trị căn bệnh này là: Điều trị bằng tia laser; Điều trị bằng phẫu thuật và Điều trị bằng thuốc.
Đừng chờ mờ mắt mới đi khám
Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu, ổn định huyết áp không ngăn chặn được bệnh mà chỉ làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường. "Nếu bệnh được theo dõi, điều trị ở giai đoạn sớm sẽ có nhiều cơ hội tránh được mù lòa. Vì thế, đừng chờ mắt mờ mới đi khám", Bác sĩ Nguyên khẳng định.
Ngoài ra, với các bệnh nhân mắc tiểu đường cần biết cách ổn định đường huyết, huyết áp, làm sao đảm bảo mỡ trong máu trong giới hạn bình thường, không hút thuốc lá, rượu bia và nên tập thể dục thường xuyên. Đồng thời, cần tuân thủ việc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa đáy mắt và bác sĩ điều trị đái tháo đường. Tóm lại, bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính nên điều quan trọng là bệnh nhân phải học cách sống chung với nó, hạn chế tối đa các biến chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Bệnh nhân đái tháo đường cần quan tâm nhiều hơn đến đôi mắt của mình bằng cách đi khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện và điều trị bệnh sớm, phòng tránh mù lòa.
Theo Dân trí