Theo dõi đường máu tại nhà thế nào cho đúng?

SKNT - Khi mới được chẩn đoán hoặc khi thay đổi chế độ điều trị thì nên thử 2-4 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ. Còn khi đường máu đã tương đối ổn định thì nên thử 1-3 lần mỗi tuần.

Tầm quan trọng của theo dõi đường máu

Theo dõi đường máu thường xuyên giúp kiểm soát tốt đường máu là 1 trong những yếu tố quyết định điều trị thành công bệnh đái tháo đường vì đường máu có liên quan chặt chẽ với các biến chứng của đái tháo đường. Khi kiểm soát đường máu không tốt làm tăng nguy cơ bị các biến chứng thận, mắt, thần kinh ngoại vi, loét chân và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Ngược lại khi đường máu hạ thấp dưới 3 mmol/l thì BN có nguy cơ rất cao bị hôn mê, thậm chí tử vong. Do vậy mục tiêu kiểm soát đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường cần cố gắng duy trì đường máu ở mức càng gần bình thường càng tốt.

Thử đường máu mao mạch tại nhà giúp kiểm soát tốt hơn đái tháo đường

Tuy nhiên nếu không đo đường máu thì không thể biết được đường máu là cao, thấp hay bình thường. Đặc biệt khi đường máu cao trong khoảng 7-16 mmol/l có khả năng gây nhiều biến chứng hoặc là thấp tới 3-4 mmol/l sắp gây hôn mê hạ đường máu thì cảm giác của đa số người bệnh vẫn là “bình thường”. Để biết được điều này thì chỉ có cách duy nhất là phải kiểm tra đường máu thường xuyên theo khuyến cáo và điều chỉnh ngay chế độ ăn uống, hoặc thông báo cho bác sĩ để điều chỉnh thuốc. Thử đường máu sẽ biết được kết quả đường máu là bất thường, trước khi có các biểu hiện lâm sàng.

Hiện nay, theo khuyến cáo của các Hiệp hội chuyên về đái tháo đường thì khi được chẩ đoán mắc đái tháo đường, bệnh nhân cần được điều trị sớm và tích cực hơn, phối hợp thuốc sớm hơn để đưa đường máu nhanh chóng về mức càng gần bình thường càng tốt, hạn chế tối đa các biến chứng. Nhằm đạt mục tiêu này và tránh được nguy cơ bị hạ đường máu thì vai trò của kiểm tra đường máu đều đặn lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Việc thử đường máu tại nhà được thực hiện dễ dàng bằng các máy đo đường máu cá nhân (người thực hiện cần phải được hướng dẫn và thực hiện đúng các bước để có kết quả chính xác). Ở Việt Nam, việc theo dõi đường máu tại nhà có nhiều khó khăn, 1 phần do điều kiện kinh tế của nhiều người bệnh còn hạn hẹp, 1 phần khác là do chưa thấy hết các lợi ích của phương pháp này.

Đo đường máu thế nào là đúng cách và có được kết quả tin cậy

Đo đường máu bằng máy đo cá nhân tại nhà được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo là phương pháp tin cậy và phù hợp cho mọi đái tháo đường. Cách sử dụng máy đo đường máu thông thường gồm 3 thao tác chính là (1) gắn que thử vào máy, (2) thấm máu vào que, và (3) đợi máy báo kết quả sau 5-15 giây. Thông thường đường máu mao mạch có độ chênh so với đường máu tĩnh mạch; Tuy nhiên có những máy đo thế hệ mới  thường có khả năng cho ra kết quả tương đương với đường máu tĩnh mạch làm tại khoa sinh hoá các bệnh viện.

Các bước đo đường máu với máy thông thường

Số lần thử thế nào là hợp lý

Khi mới được chẩn đoán hoặc khi thay đổi chế độ điều trị thì nên thử 2-4 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ. Còn khi đường máu đã tương đối ổn định thì nên thử 1-3 lần mỗi tuần. Ngoài ra, cũng nên thử đường máu sau bữa ăn 2 giờ hoặc khi có biểu hiện hạ đường máu hay bị ốm. Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng đường máu sau ăn có khả năng gây biến chứng tương đương với tăng đường máu lúc đói, nhất là các biến chứng tim mạch. Riêng đối với người đái tháo đường là phụ nữ có thai thì thường phải đo đường máu 4-7 lần mỗi ngày (gồm trước, sau bữa ăn và nửa đêm) trong suốt thời gian mang thai để kịp thời điều chỉnh sao cho đường máu luôn trong giới hạn bình thường, đảm bảo cho thai phát triển tốt còn mẹ thì tránh được các biến chứng nặng của bệnh đái tháo đường.

Với phụ nữ có thai mắc đái tháo đường thì số lần thử từ 4-7 lần/ngày

Tạp chí Đái tháo đường

 

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.