Menu
×

"Đường trung bình" HbA1c là gì, ý nghĩa trong bệnh đái tháo đường

Ngày đăng: 04/01/2018 In bài viết này

SKNT - Xét nghiệm HbA1c hay A1c dùng để đánh giá lượng đường trong máu trung bình của 2 - 3 tháng gần nhất. Dựa vào kết quả HbA1c có thể theo dõi kết quả điều trị, tiên lượng nguy cơ biến chứng và có thể dùng để chẩn đoán đái tháo đường.

HbA1c là gì?

Xét nghiệm HbA1c hay có thể được viết tắt là A1c dùng để đánh giá lượng đường trong máu trung bình của 2 - 3 tháng gần nhất. Glucose (đường) có tính chất kết dính, rất khó tách rời. Đường trong lưu thông trong máu, một phần sẽ tự động kết dính vào hemoglobin A (Huyết sắc tố A). Một khi glucose dính vào hemoglobin A, nó sẽ ở đó vĩnh viễn cho đến khi hồng cầu chết (khoảng 120 ngày). Mức glucose càng nhiều trong máu thì glucose kết dính nhiều vào hemoglobin A. Dạng kết hợp giữa glucose và hemoglobin A được gọi là A1c (hemoglobin A1c viết tắt là HbA1c). Nồng độ HbA1c sẽ không thay đổi nhanh chóng, nhưng nó sẽ thay đổi khi các tế bào hồng cầu cũ chết đi và bị thay thế bởi những tế bào hồng cầu mới (vì hemoglobin nằm trong hồng cầu).

Để làm xét nghiệm, người ta có thể lấy một mẫu máu tĩnh mạch hoặc có thể lấy máu mao mạch (một giọt máu đầu ngón tay).

Ý nghĩa của giá trị HbA1c

Xét nghiệm HbA1c chủ yếu dùng để theo dõi sự kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường. Mục tiêu của những bệnh nhân đái tháo đường là giữ lượng đường huyết của mình càng gần với giá trị bình thường càng tốt vì điều này sẽ làm hạn chế những biến chứng gây ra bởi tăng đường trong máu kéo dài như: biến chứng thận, mắt, hệ tim mạch và các dây thần kinh.

Xét nghiệm HbA1c cho chúng ta biết lượng đường trung bình trong máu ở một vài tháng gần nhất hoặc cho biết xu hướng kiểm soát đường máu trong thừi gian gần hơn. Nó giúp chúng ta đánh giá được sự kiểm soát đường huyết có thành công hay không để có thể điều chỉnh lại liều điều trị.

Xét nghiệm HbA1c thường được thử ở những bệnh nhân mới được chẩn đoán là đái tháo đường để xác định xem mức đường huyết không được kiểm soát đã tăng cao như thế nào. Nó có thể sẽ được làm nhiều lần hơn khuyến cáo (nhiều hơn 2-3 tháng/lần) khi các bác sĩ chuyên khoa đang muốn cố gắng kiểm soát đường huyết, đối chiếu với liều thuốc đang dùng nhằm biết xu hướng kiểm soát đường trong máu (glucose máu lúc đói không đủ thông tin để chỉnh liều) và sau đó khoảng 2-3 tháng/lần để xác định xem kết quả điều trị có tốt hay không.

Chỉ định

Tất cả bệnh nhân đái tháo đường mới chẩn đoán để điều trị.

Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA - American Diabetes Association) khuyến cáo nên thử đường huyết:

  • 4 lần mỗi năm cả với đái tháo đường týp 1 và týp 2

Nếu bệnh nhân mới được chẩn đoán đái tháo đường và không kiểm soát tốt, HbA1c sẽ được thử thường xuyên hơn.

Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm

Có sự tương ứng giữa giá trị glucose huyết trung bình và giá trị của HbA1c tuy nhiên chỉ mang tính chất ước lượng, vì còn tùy thuộc vào phương pháp tính toán và nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như đời sống hồng cầu, bệnh lý hồng cầu.

Cứ 1% thay đổi trên kết quả của HbA1c phản ánh sự thay đổi khoảng 30mg/dL (1.67mmol/L) ở lượng đường huyết trung bình.

Bệnh nhân đái tháo đường càng giữ giá trị HbA1c gần với mức 6% bao nhiêu thì đường huyết càng được kiểm soát tốt bấy nhiêu, và nếu giá trị HbA1c tăng thì nguy cơ bị các biến chứng cũng tăng theo.

HbA1c không phản ánh được những đợt tăng hay giảm đường huyết cấp tính.

Kết quả HbA1c bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: hemoglobin bất thường, hemoglobin hình liềm, lượng hemoglobin A trong máu sẽ giảm, bệnh nhân bị tán huyết hoặc xuất huyết nặng, bệnh nhân bị thiếu sắt.

Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ 2010 cũng khuyến cáo nồng độ  HbA1c ≥ 6,5% được coi là tiêu chuẩn trong chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên không khuyến cáo dùng trong chẩn đoán đái tháo đường týp 1, đái tháo đường thai kỳ, tiền đái tháo đường. Chú ý các bệnh về máu có thể làm sai kết quả HbA1c và HbA1c phải được xét nghiệm tại phòng xét nghiệm chuẩn.

Việc sử dụng HbA1c cho chẩn đoán bệnh đái tháo đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không cần đòi hỏi bệnh nhân phải nhịn đói, có thể làm bất kỳ thời gian nào khi bệnh nhân đến khám, có thể làm để chẩn đoán trong trường hợp cấp cứu cần phân biệt tăng đường máu do đái tháo đường hay do các nguyên nhân khác.

HbA1c cũng tương tự như làm test đường máu sau ăn 2 giờ và ít phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân tại thời điểm lấy máu.

Kết luận

Như vậy, để đánh giá kiểm soát đường máu tốt hay không ngoài việc tự theo dõi đường máu (kiểm tra đường huyết tại nhà), xét nghiệm glucose máu lúc đói chúng ta thường sử dụng xét nghiệm HbA1c. Sử dụng kết quả HbA1c sẽ giúp bạn đánh giá được hiệu quả của phương pháp điều trị mà bạn đang theo. Định kỳ kiểm tra HbA1c theo khuyến cáo 2-3 tháng/lần hoặc thường xuyên hơn nếu kiểm soát không tốt.

Đ.Đ.T