Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
BS Đỗ Hữu Thủy (Cục phòng chống HIV AIDS) trong một chuyến thực tế về công tác phòng chống HIV AIDS ở địa phương. Ảnh: T.Linh.
PV Lao Động Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Ths.BS Đỗ Hữu Thủy - Trưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng - Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về vấn đề này.
Chỉ tập trung vào những hoạt động có hiệu quả
Được biết, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn trước những sụt giảm nghiêm trọng về nguồn tài trợ quốc tế trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
- Trong thời gian tới, các dự án quốc tế hỗ trợ cho Việt Nam trong chương trình phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm rất nhanh. Hiện nay chỉ còn 3 dự án hỗ trợ đang hoạt động là dự án của Ngân hàng phát triển Châu Á ADB, sẽ bị cắt cuối năm 2017.
Dự án của CDC thông qua PEPFAR tài trợ cũng thông báo là hết năm 2018 sẽ chỉ còn hỗ trợ kỹ thuật, chứ không còn cung cấp dịch vụ nữa. Hiện chúng ta còn đang đề xuất dự án quỹ toàn cầu cho giai đoạn tới. Như vậy, từ chỗ Việt Nam có rất nhiều các dự án hỗ trợ thì trong thời gian tới, các dự án bị cắt giảm rất nhiều, đặc biệt là phần hỗ trợ cung cấp dịch vụ. Đây là một khó khăn rất lớn cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.
Giải pháp của Bộ Y tế trước tình trạng này là gì, thưa ông?
- Đứng trước tình hình này, ngay từ 2013 - 2014, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ, ban hành đề án để đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong đề án đảm bảo tài chính này, có giải pháp tăng cường huy động các nguồn lực ở trong nước.
Trong nước có mấy nguồn như sau: Thứ nhất là ngân sách nhà nước từ trung ương, thứ 2 là ngân sách nhà nước từ địa phương, đều phải tăng cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS, bởi vì muốn duy trì được hoạt động như hiện nay, buộc phải tăng ngân sách này. Thứ 3 là huy động nguồn xã hội hóa, tiếp tục huy động các nguồn tài trợ từ quốc tế khác nếu như còn có thể.
Giải pháp thứ 2 là làm sao sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS này. Khi mà nguồn lực hạn chế thì phải can thiệp cho nhóm nào ưu tiên nhất, can thiệp có hiệu quả nhất. Giải pháp hoạt động cũng phải tính toán, các hoạt động nào có hiệu quả mới duy trì, phải tập trung vào.
Như vậy, có thể hình dung là chúng ta tăng cường nguồn lực đầu vào cho phòng chống HIV/AIDS và làm sao để đầu ra có hiệu quả. Chúng ta phải tính để hiệu quả hơn.
Không chỉ có Đề án đảm bảo tài chính ở Trung ương mà hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh phải xây dựng Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Đến nay, đã có đề án của hơn 50 tỉnh được phê duyệt, chỉ còn 8 tỉnh hiện nay đang xây dựng hoặc đang trình phê duyệt.
Khi từng tỉnh thành dựa trên nhu cầu, dựa vào tình hình phòng chống HIV/AIDS của từng địa phương thì sẽ xây dựng và trình một đề án đảm bảo tài chính thông qua Ủy ban, thông qua Hội đồng nhân dân, sau khi dược phê duyệt sẽ cấp kinh phí cho công tác phòng chống HIV/AIDS từ nguồn kinh phí địa phương.
Cũng qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng, có những tỉnh bố trí đủ ngân sách theo các đề án được phê duyệt, đây không phải đủ ngân sách theo nhu cầu, vì đôi khi nhu cầu lớn hơn nhưng ngân sách của tỉnh lại thấp, nên họ phê duyệt ở mức thấp hơn. Nhưng tôi cho rằng đó đã là nỗ lực, cố gắng rất lớn để đảm bảo cho công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Vẫn còn những nguồn lây nhiễm HIV chưa kiểm soát được
Vừa qua, được biết Cục Phòng chống HIV/AIDS đã có nhiều chuyến đi thực tế, tìm hiểu tình hình phòng chống dịch bệnh ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những điểm nóng của cả nước, ông đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh HIV/AIDS ở các tỉnh này?
- Chúng tôi vừa có chuyến đi thực tế tại 2 thành phố Cần Thơ và Bến Tre, đây là 2 thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long, cho nên có những nét tương đồng, nhưng vẫn khác nhau.
Về những nét tương đồng, là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khác với các tỉnh phía Bắc, dịch bệnh HIV/AIDS lây truyền qua đường tình dục là chủ yếu. Ví dụ như ở Cần Thơ và Bến Tre chúng ta đều thấy, có đến 80% những người nhiễm mới là nhiễm qua đường tình dục không an toàn.
Vậy chiến lược can thiệp trong thời gian tới ở Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là 2 tỉnh cần phải tập trung vào nguyên nhân lây truyền qua đường tình dục. Cụ thể, phải cung cấp mạnh mẽ các kiến thức, những biện pháp để người dân có thể áp dụng tình dục an toàn, như bao caosu chẳng hạn.
Ở cả 2 tỉnh, đối với nhóm nghiện ma túy, tỉ lệ nhóm nghiện ma túy tổng hợp gia tăng rất nhanh. Song song với đối tượng nghiện các chất dạng thuốc phiện như moocphin, heroin... - tạm gọi là chất gây nghiện truyền thống - mà rất nhiều năm người nghiện họ sử dụng. Ngay bây giờ, những người dùng chất gây nghiện truyền thống còn dùng kèm thêm cả ma túy tổng hợp nữa. Đặc biệt, lớp trẻ mới lại chủ yếu là nghiện ma túy tổng hợp.
Điều này cho thấy, giai đoạn tới việc khống chế HIV vô cùng khó khăn. Bởi vì, với các chất gây nghiện tổng hợp, hiện nay chúng ta chưa có biện pháp gì ngoài việc tư vấn cho họ. Không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Với heroin, với moocphin, chúng ta có thể điều trị methadone... nhưng với ma túy tổng hợp không có gì để điều trị.
Hơn nữa, đối với những người nghiện ma túy tổng hợp, một điều đáng lo ngại là họ bị ảo giác, họ không kiểm soát được hành vi, từ đó dẫn đến bị kích thích và quan hệ tình dục không an toàn như không dùng bao caosu, quan hệ tình dục tập thể... Đây là mối nguy hại vô cùng lớn.
Nhiễm HIV trong giới trẻ, nhiễm HIV trong nhóm MSM - quan hệ đồng giới nam - ở cả 2 thành phố Cần Thơ và Bến Tre, chúng ta thấy có rất nhiều các nhóm MSM mà chúng ta đã tiếp cận được. Ước tính, trong giới trẻ hiện nay, còn nhiều nhóm MSM mà chúng ta chưa tiếp cận được. Đây cũng là một nguy cơ rất lớn. Qua báo cáo theo dõi của Cục Phòng chống HIV/AIDS trong giám sát trọng điểm, thì nhóm MSM đang là nhóm có chiều hướng nhiễm HIV mới gia tăng nhanh.
Hiện nay, chúng ta đang kiểm soát khá tốt tỉ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục trong phụ nữ bán dâm, nhóm nghiện chích ma túy nhưng nhóm MSM hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được. Đó là nét tương đồng trong tình hình dịch hiện nay.
Công tác phòng chống HIV/AIDS của các địa phương này có đạt hiệu quả như mong muốn hay không?
- Chúng tôi cho rằng cả Cần Thơ và Bến Tre đều đã nỗ lực cố gắng, tuy nhiên ở Cần Thơ có nhiều điểm thuận lợi hơn, vì Cần Thơ nhiều năm liền là vùng trọng điểm của phòng chống tệ nạn ma túy ở phía Nam, cho nên những năm trước, Cần Thơ có một nguồn lực rất lớn từ quốc tế hỗ trợ. Từ con người, từ hệ thống và can thiệp đã làm rất nhiều năm, đổ nhiều nguồn lực vào đó. Cho nên hệ thống phòng chống HIV/AIDS, kiến thức của người dân ở Cần Thơ tương đối tốt, thuận lợi hơn nhiều so với tỉnh Bến Tre.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, Bến Tre cũng đã triển khai khá toàn diện các biện pháp phòng chống HIV/AIDS như truyền thông, các biện pháp giảm hại, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn xét nghiệm được triển khai khá đồng bộ, có những điều trị nếu so với mục tiêu so với 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm biết tình trạng của mình, 90% người đã được chẩn đoán HIV được điều trị bằng ARV và 90% người được điều trị ARV phải kiểm soát được tải lượng virus ở dưới ngưỡng ức chế), thì chúng tôi thấy Bến Tre đã đạt khá tốt, thậm chí còn trên mức trung bình của cả nước.
Theo laodong.vn