Menu
×

ĐIỂM MẶT CÁC NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN LOÃNG XƯƠNG

Ngày đăng: 26/10/2021 In bài viết này

Loãng xương là một bệnh về xương khiến xương trở nên dễ gãy hơn. Trong nhiều nguyên nhân có những nguyên nhân có thể phòng ngừa được.

Nguyên nhân phổ biến của loãng xương là kết quả của sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và quá trình tiêu xương. Sau đây là một số yếu tố nguy cơ và nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh loãng xương.

1. Tuổi tác

Tuổi tác ảnh hưởng lớn đến loãng xương

Tuổi tác là yếu tố chính góp phần vào sự phát triển của bệnh loãng xương. Khi bạn già đi, bộ xương của bạn bắt đầu mất nhiều xương hơn. Xương cứng trở nên xốp và xương xốp lại càng xốp hơn. Khi mất mật độ xương đến một giới hạn nhất định, sẽ trở thành bệnh loãng xương. Khuyến nghị tầm soát loãng xương bắt đầu từ 65 tuổi, đặc biệt là đối với phụ nữ, nhưng những người dưới 65 tuổi có nguy cơ gãy xương cao cũng nên bắt đầu tầm soát loãng xương sớm hơn.

2. Nồng độ estrogen thấp và mãn kinh

loãng xương 1

hình ảnh minh họa loãng xương

Có tới 80% người bị loãng xương là phụ nữ. Việc thiếu estrogen như là một hệ quả tự nhiên của thời kỳ mãn kinh được cho là nguyên nhân quan trọng làm giảm mật độ xương. Các yếu tố bổ sung làm tăng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ bao gồm mãn kinh sớm (trước 45 tuổi) và có kinh nguyệt không đều.

3. Nồng độ testosterone thấp

Loãng xương thường gặp ở nam giới có mức testosterone thấp. Một báo cáo năm 2017 trên Tạp chí Nội tiết Quốc tế cho biết tình trạng loãng xương ở nam giới dưới 70 tuổi là thấp nhưng sau đó tăng lên, nghiên cứu cho thấy hầu hết các trường hợp này đều liên quan đến mức testosterone thấp.

4. Do thuốc men

Dùng corticosteroid đường uống và tiêm trong thời gian dài, có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương. Thuốc tuyến giáp, thuốc hóa trị và những thuốc khác cũng có thể dẫn đến phát triển bệnh loãng xương. Tất nhiên, những loại thuốc này có thể rất cần thiết trong việc điều trị một số bệnh. Do đó, bạn không nên ngừng bất kỳ điều trị nào hoặc thay đổi liều lượng dùng mà không trao đổi trước với bác sĩ.

5. Do một số bệnh lý

Một số tình trạng bệnh lý thông thường cũng gây ra tình trạng mất xương- Được gọi là loãng xương thứ phát. Đó là các bệnh đái tháo đường, bệnh viêm tự miễn, bệnh tuyến giáp và hội chứng kém hấp thu.

6. Bộ khung cơ thể nhỏ và trọng lượng thấp

Người gầy và nhỏ nhắn có nguy cơ cao bị loãng xương. Một lý do là vì họ vốn có ít xương hơn so với người có trọng lượng cơ thể và khung hình cơ thể lớn hơn.

7. Di truyền học

Xu hướng di truyền mắc bệnh loãng xương có thể ghi nhận từ tiền sử gia đình. Bạn có thể dễ bị loãng xương hơn nếu cha mẹ mắc bệnh này. Một số nhóm dân tộc cũng có nguy cơ gia tăng đối với tình trạng loãng xương. Trên phương diện lý thuyết, có rất nhiều gen mà một người có thể thừa hưởng làm tăng khả năng phát triển tình trạng bệnh loãng xương.

Chủng tộc góp phần quyết định khối lượng xương và tăng nguy cơ loãng xương. Người Mỹ gốc Phi có xu hướng có khối lượng xương cao hơn người da trắng và người châu Á. Người gốc Tây Ban Nha thường có khối lượng xương thấp hơn người Mỹ gốc Phi.

8. Các yếu tố nguy cơ liên quan lối sống

20210411_000618_496807_che-do-van-dong-cho-n-max-800x800

Hoạt động tích cực giúp xương chắc khỏe

Có nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương có thể là bất khả kháng. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ về lối sống nằm trong tầm kiểm soát của bạn và có thể điều chỉnh được

Thiếu vitamin D và canxi: Điều quan trọng là phải ăn một chế độ ăn có bổ sung canxi và vitamin D, vì những chất dinh dưỡng này kết hợp với nhau để thúc đẩy sức khỏe của xương. Canxi khuyến khích xương khỏe mạnh và vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả.

Lối sống ít vận động: Hoạt động tích cực giúp giữ cho cơ và xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương. Xương chắc khỏe cũng ít bị gãy hơn.

Hút thuốc lá: Nghiên cứu cho thấy các hóa chất được tìm thấy trong thuốc lá có thể cản trở hoạt động của các tế bào trong xương. Ngoài ra, hút thuốc lá có thể ức chế sự hấp thụ canxi và cũng có thể làm giảm khả năng bảo vệ mà estrogen cung cấp cho xương. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ gãy xương và có thể làm chậm quá trình chữa lành xương gãy.

Bỏ thuốc lá cho xương bạn chắc khỏe

Uống rượu nhiều: Rượu có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của xương, cản trở sự cân bằng của canxi và sự hấp thụ vitamin D trong cơ thể. Uống nhiều rượu cũng có thể gây ra sự thiếu hụt hormone ở cả nam và nữ. Uống quá nhiều rượu cũng có thể giết chết các nguyên bào xương, các tế bào tạo xương. Ngoài ra, lạm dụng rượu có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng và dáng đi, dẫn đến té ngã, thường dẫn đến gãy xương do xương mỏng và tổn thương dây thần kinh.

Tóm lại, có rất nhiều điều bạn có thể làm để bảo vệ xương của mình và không bao giờ là quá muộn để hành động. Những thói quen bạn áp dụng hiện tại và trong tương lai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương của bạn trong suốt quãng đời còn lại. Bạn có thể bảo vệ xương bằng cách bổ sung đủ vitamin D, canxi và ăn một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của xương, bao gồm trái cây và rau quả. Bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên để giữ cho xương và cơ chắc khỏe. Cuối cùng, tránh hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia. Một ngày, bạn nhớ nên dành 15 phút tiếp xúc da trực tiếp với ánh sáng mặt trời, chỉ cần chừng đó thời gian bạn đã mang lại đủ vitamin D cho cơ thể trong ngày.

 

Bài viết cùng chuyên mục