Menu
×

Hút thuốc lá dù chủ động hay thụ động đều có hại

Ngày đăng: 25/10/2017 In bài viết này

SKNT - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong thế kỷ 20, trên thế giới đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm sử dụng thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu một năm vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.

Ảnh minh họa

Đó là những con số hẳn phải khiến bất cứ ai cũng phải giật mình. Nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện thì trong thế kỷ này sử dụng thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người. Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người hút thuốc

Thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản. Hút thuốc ở phụ nữ mang thai gây các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả bà mẹ cũng như thai nhi. Các căn bệnh chính do thuốc lá gây ra như: ung thư phổi, khí phế thũng, rụng tóc, đục nhân mắt (hình minh họa).

Thuốc lá còn là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm. Cụ thể, tính chung trên thế giới thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo ước tính ở Hoa Kỳ thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/ năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam. Chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh lây nhiễm đang giảm thì tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm lại gia tăng đến mức báo động, trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính.

Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá có thể kế đén như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Thế giới hiện có 1,3 tỷ người hút thuốc, trong đó 80% số người hút thuốc sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Hút thuốc lá gây bệnh tật, tàn phế và tử vong.

So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ chết sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá là khá cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do hút thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên.

Hệ quả của hút thuốc lá thụ động

Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chừa hàng nghìn các hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.

Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân.

Trẻ em bị phơi nhiễm khói thuốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em có cha mẹ hút thuốc lá sẽ thường xuyên ốm hơn bình thường.

Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Phổi của trẻ em phát triển ít hơn trẻ em không bị hút khói thuốc thụ động, và những đứa trẻ hút thuốc thụ động thường mắc bệnh viêm phế quản và viêm phổi. Khò khè và ho khá phổ biến ở trẻ em hít phải khói thuốc thụ động.

Trẻ em bị hen suyễn bị hít khói thuốc thụ động thường gặp cơn hen suyễn nặng và thường xuyên hơn. Khi đứa trẻ gặp cơn hen suyễn trầm trọng, tính mạng của chúng có thể bị đe dọa. Trẻ em có cha mẹ hút thuốc lá có nguy bị nhiễm trùng tai cao hơn. Đồng thời, chúng sẽ gặp phải tình trạng viêm tai vì tai chứa nhiều chất lỏng bên trong do thuốc lá gây ra.

Theo GD&TĐ