Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Chiều 29/11, tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành chia sẻ thông tin với báo chí về công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết người được nhận mức chi trả BHYT đến 4,5 tỉ đồng từ đầu năm đến 29/11 là một bệnh nhân nam. Người này sinh năm 1984 ở tỉnh Vĩnh Long, mắc bệnh Hemophilia (máu khó đông).
Bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả số tiền cao như vậy bởi người này phải truyền máu liên tục và điều trị bằng các thuốc cầm máu hỗ trợ. 2 bệnh nhân khác sinh năm 2003 ở Thái Bình và 1983 ở Đồng Tháp, cũng được BHYT chi trả số tiền lớn là 2,2 tỉ đồng cũng mắc bệnh về máu.
Theo ông Sơn, trong 11 tháng đầu năm 2017, hệ thống giám định BHYT ghi nhận có trên 41.300 người được quỹ BHYT trả chi phí khám chữa bệnh từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng và 27 người được trả 1-4,5 tỉ đồng.
"Bệnh nhân và bảo hiểm chẳng ai mong được chi tới tiền tỉ khi khám chữa bệnh nhưng bản chất BHYT là chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền của người bệnh nên BHXH không ngại chuyện chi trả số tiền này. Nhưng rõ ràng đây là bẫy nghèo y tế mà nếu người bệnh không có BHYT chắc chắc sẽ không chịu nổi" - ông Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hệ thống giám định bảo hiểm ghi nhận hơn 5.400 người khám từ 50 lần trở lên. Đáng chú ý, bệnh nhân M.B.N. ở TP HCM đã đi khám 256 lượt ở nhiều cơ sở y tế với số tiền được quỹ BHYT chi trả 143 triệu đồng và bệnh nhân D.V.C, khám tới 201 lượt và được thanh toán 57 triệu đồng.
"Không phải tất cả những người có số lần khám bệnh cao đều "có vấn đề" nhưng đây là những con số đáng suy nghĩ. Với 2 trường hợp này, BHXH TP HCM đã đến làm việc. Thậm chí, có những bệnh viện sẵn sàng với việc quỹ BHYT từ chối thanh toán những trường hợp này nhưng vẫn phải khám bệnh, cấp thuốc cho bệnh nhân, bởi nếu không bệnh nhân có thể gây mất trật tự hoặc dùng những lời lẽ thiếu tế nhị với nhân viên y tế" - ông Sơn cho hay.
Diệp Linh
Theo Dântrí,