Menu
×

Ung thư và tim mạch – 2 căn bệnh hàng đầu “ám ảnh” cuộc sống

Ngày đăng: 04/10/2017 In bài viết này

SKNT - Bốn loại bệnh được ghi nhận trong các bệnh hiểm nghèo (theo cách phân loại của Tổ chức Y tế thế giới từ năm 2004) là những bệnh lý về tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ), bệnh ung thư, bệnh đường hô hấp và bệnh tiểu đường (đái tháo đường). Trong đó ung thư và tim mạch là những bệnh “ám ảnh” cuộc sống con người nhất.

Hình minh hoạ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có khoảng 14,1 triệu người mắc bệnh ung thư có nghĩa là mỗi phút có 26,8 người mắc bệnh.

Trong đó, Việt Nam nằm trong 100 nước có nguy cơ ung thư cao trên thế giớI với khoảng 200.000 người mắc bệnh mới và trên 95.000 người tử vong.

Về bệnh tim mạch, tỉ lệ người mắc bệnh lý tim mạch tại nước ta đang tăng lên. Hiện cứ 4 người lớn thì có ít nhất 1 – 2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo dự báo của Hội Tim mạch học thì đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc các bệnh tim mạch và huyết áp

Nguyên nhân gây bệnh

Qua nhiều nghiên cứu dịch tễ học, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể và có từ 75 - 80% ung thư phát sinh là có liên quan đến môi trường sống.

− Thuốc lá được xem như nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư và các bệnh tim mạch. Có khoảng 30% trong tổng số các loại ung thư là do thói quen hút thuốc lá. Trong khói thuốc không chỉ có chất nicotine mà còn có trên 40 loại hóa chất khác gây ra các vấn đề về tim mạch, huyết áp.

− Chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm khoảng 35% tổng số các bệnh ung thư. Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại - trực tràng và ung thư vú. Việc tiêu thụ nhiều đồ ăn giàu chất béo gây xơ vữa thành mạch dẫn đến tăng huyết áp và giảm cung cấp máu cho tim, có thể dẫn đến bệnh tim.

− Thói quen sinh hoạt không vận động và lười rèn luyện thể dục thể thao chiếm trên 20% bệnh ung thư. Thói quen này góp phần làm tăng khả năng xuất hiện bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành…

− Tuổi tác, giới tính, gen di truyền cũng là các tác nhân gây bệnh ung thư, tim mạch. Nam giới dễ mắc ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn, ung thư dương vật; nữ giới hay mắc ung thư vú, buồng trứng, cổ tử cung, âm hộ, nhau thai… Còn kết quả nghiên cứu bệnh tim mạch cho thấy, trong độ tuổi từ nhỏ đến trung niên, tỷ lệ nam giới bị bệnh tim mạch nhiều hơn nữ giới, nhưng đến tuổi mãn kinh thì tỷ lệ bệnh tim mạch ở nữ giới xấp xỉ nam giới.

Phòng tránh và chữa trị

 

Để phòng tránh, cần thay đổi lối sống như: không hút thuốc; chế độ ăn uống khoa học; duy trì thói quen vận động. Ngoài ra nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, vì khi được phát hiện sớm, điều trị đúng lộ trình sẽ kéo dài cuộc sống thậm chí khỏi bệnh.

Tuy nhiên, khi phát hiện muôn, thời gian và chi phí điều trị là gánh nặng đối với bệnh nhân và gia đình họ.

Thống kê trong năm 2012, chi phí điều trị 6 bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam là 25.789 tỷ, chiếm 0,22% GDP năm này. Cụ thể, ung thư vú tiêu tốn hơn 9.000 tỷ, ung thư đại trực tràng là 8.573 tỷ, ung thư dạ dày là 5.667 tỷ, tiếp đến là ung thư gan, ung thư cổ tử cung và ung thư khoang miệng.

Nếu không may mắc bệnh ung thư và tim mạch, bên cạnh yếu tố tâm lý thì vấn đề tài chính cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng rất lớn tới người bệnh. Một trong những giải pháp tài chính mà họ lựa chọn là mua bảo hiểm sức khỏe, sự hỗ trợ từ các công ty bảo hiểm sẽ giúp những người bệnh yên tâm hơn trong quá trình điều trị và giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Chị Nguyễn Thu Trang (42 tuổi, sống tại Hà Nội) mắc căn bệnh ung thư vú và sau gần 01 năm điều trị ung thư, sức khỏe của chị đã gần như hồi phục.Chị chia sẻ: “Bệnh hiểm nghèo ngày một nhiều hơn, tôi hy vọng các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cung cấp các gói bảo hiểm cao cấp có thể hỗ trợ tạo điều kiện cho bệnh nhân nhận được sự điều trị tốt nhất tại các nước phát triển trên thế giới như Mỹ để phục hồi hoàn toàn và ngay cả sau quá trình chữa trị. Chương trình bảo hiểm cũng hỗ trợ giúp đỡ người nhà bệnh nhân trong quá trình điều trị tại nước ngoài”.

Theo Người lao động