Menu
×

5 lưu ý cần biết khi thời tiết hanh khô ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ

Ngày đăng: 31/10/2017 In bài viết này

SKNT - Không chỉ những người cao tuổi mà trẻ em cũng là đối tượng cần được chăm sóc sức khỏe thật kĩ lưỡng để tránh không mắc các bệnh vào mùa hanh khô

Giữ đủ ấm cho trẻ

Để phòng bệnh hô hấp, quan trọng nhất là giữ đủ ấm cho trẻ, nhất là ấm hai bàn chân, ngực, cổ và đầu, tránh ra gió. Về đêm, khi nhiệt độ xuống thấp, việc ủ ấm cho trẻ là rất quan trọng. Rất nhiều trẻ bị nhiễm lạnh dẫn tới viêm đường hô hấp trên mà nguyên nhân là do trẻ không đủ ấm khi ngủ (không mặc ấm hoặc ngủ say nên trẻ đạp bung chăn mà không biết).

Do vậy, khi đi ngủ, cần mặc ấm cho trẻ. Nếu cần, có thể mặc thêm áo nhưng mặc ngược (nếu mặc áo ngược nên chọn áo có cỡ rộng hơn bình thường mà trẻ mặc) để giữ ấm phần ngực, cổ trong khi lưng vẫn được thoáng, không bị quá nóng dẫn đến rịn mồ hôi lưng.

Các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý rằng, khi trẻ ra mồ hôi nhiều mà không để ý lau khô, mồ hôi sẽ bị ngấm ngược lại cơ thể, khiến bé bị lạnh và có thể gây viêm phổi, không ít bé ốm phải vào viện, một phần vì cha mẹ ủ bé quá kỹ.

Chơi, ngủ trong phòng thoáng, tránh gió lùa

Những trẻ ở lứa tuổi đi mẫu giáo, đi học thường bị bệnh về đường hô hấp nhiều nhất, do các cháu thường xuyên phải thay đổi môi trường. Còn với lứa tuổi nhỏ hơn, do trời lạnh, được ở trong nhà nhiệt độ ổn định hơn nên cũng ít nguy cơ bị nhiễm bệnh. Vì thế, khi đưa trẻ đi học, phải ủ ấm và nhớ luôn mang theo khẩu trang bảo vệ mũi, miệng khi đi đường. Cho bé chơi, ngủ trong phòng thoáng nhưng không có gió lùa.

Không tự trị bệnh cho trẻ

Khi trẻ có dấu hiệu bệnh về đường hô hấp, cách tốt nhất là làm sạch, thông thoáng đường hô hấp bằng muối sinh lý. Sau đó, nếu tình trạng không đỡ nên đưa trẻ tới viện khám để xác định nguyên nhân. Với những trường hợp viêm mũi dị ứng thông thường, viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh… chỉ dùng nước muối sinh lý nhỏ để làm sạch đường hô hấp rất có tác dụng.

Đừng tự trị bệnh cho trẻ, kể cả chỉ dùng thuốc ho dạng siro. Đáng nói là nhiều bệnh nhi trước khi đến khám tại bệnh viện, gia đình đã tự cho uống nhiều loại thuốc kháng sinh không đúng cách hoặc để quá lâu nên dẫn đến bệnh nặng, điều trị khó khăn hơn và dễ xảy ra những biến chứng bất thường.

 Đồ ăn nóng, đủ chất

Việc này rất có ý nghĩa trong việc phòng bệnh một số bệnh về họng cho trẻ. Thời tiết mùa đông vốn hanh, khô, bạn có thể tạo môi trường khí ẩm bằng cách mở nắp ấm nước nóng trong phòng ngủ, không khí ẩm, ấm sẽ làm dịu khí quản, phế quản, giúp bé đỡ bị khô mũi, dễ thở hơn.

Để giúp bé yêu của mình luôn khỏe mạnh, tránh xa các bệnh kể trên, mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng cho bé.

Cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn thực phẩm phong phú: Dinh dưỡng được chia thành 4 nhóm gồm tinh bột, các loại thịt, dầu mỡ, các loại rau quả. Mẹ cần cho bé ăn đủ cả 4 nhóm này nếu bé đã biết ăn. Nếu bé đang trong thời kỳ bú mẹ, mẹ cần hấp thụ đủ dinh dưỡng cho bản thân mình; Thực phẩm dễ hấp thu: Hệ tiêu hóa của bé còn non yếu, mẹ nên chế biến những món dễ tiêu, không gây đầy bụng hay rối loạn tiêu hóa, nhờ đó hiệu quả của thức ăn đối với bé sẽ tốt hơn; Đưa những thực phẩm có tác dụng phòng và trị bệnh vào khẩu phần của bé; Để phòng bệnh đường hô hấp, mẹ có thể nấu cho bé các món canh từ hẹ, tăng cường rau quả chứa nhiều vitamin C (cam, chanh, quýt, su hào, bưởi, cà chua, giá đậu…). Đặc biệt, sẽ rất tốt nếu mẹ tự trồng được một cây húng chanh trong vườn. Mỗi ngày mẹ nên hái 2-3 lá hấp cùng đường phèn (hoặc mật ong) và cho bé dùng hàng ngày (nước cốt hoặc bã, hoặc cả hai).

Để tránh tiêu chảy cho bé, mẹ cần lưu ý tới vệ sinh ăn uống thật tốt. Nếu không may bé bị tiêu chảy, mẹ hãy cho bé ăn cháo cà rốt; Để hạn chế các bệnh dị ứng, mẹ cần tránh cho bé tiếp xúc các dị nguyên. Khi cho bé ăn hải sản, mẹ nên cho bé ăn từ ít đến nhiều để “dò” phản ứng của cơ thể.

Giữ gìn vệ sinh cho trẻ

Việc vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho trẻ vào mùa đông cũng thực sự cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em vào mùa đông. Đặc biệt những vùng trên cơ thể hay ra mồ hôi như bẹn, nách, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý để giữ gìn vệ sinh. Khi tắm cho trẻ xong cần ủ ấm cho trẻ ngay và lau khô nước trên người trẻ. Thường xuyên giúp trẻ rửa tay sạch sẽ trước mỗi bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, chơi thể thao. Ngoài ra cha mẹ có thể vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng nước muối.

Thiên Lý (tổng hợp)