Menu
×

GS Phạm Gia Khải cảnh báo: Sau khi say rượu hoàn toàn có thể đột quỵ, đột tử

Ngày đăng: 27/10/2017 In bài viết này

SKNT - GS Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim Mạch Quốc Gia cho biết, người uống rượu say hoàn toàn có thể bị đột quỵ thậm chí đột tử.

Theo GS Phạm Gia Khải nguyên Viện trưởng Viện tim Mạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết uống rượu, bia đều có nguy cơ đột quỵ, dù số bệnh nhân bị đột quỵ sau khi say rượu không phải nhiều nhưng bất cứ ai cũng có thể là bệnh nhân của đột quỵ sau say rượu không kể nam hay nữ.

GS Phạm Gia Khải

Đột quỵ, liệt bán thân vĩnh viễn do quá chén

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y dược, TP.HCM  tiếp nhận cấp cứu cho một bệnh nhân nữ bệnh nhân 47 tuổi, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, không phản ứng với lời nói. Các bác sĩ bước đầu chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não do tắc một động mạch lớn. Không may, người bệnh được đưa đến bệnh viện chậm, tức là sau 12 giờ kể khi bị tắc mạch máu não, vượt quá "thời gian vàng" trong điều trị đột quỵ. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, gần một nửa bộ não của bệnh nhân đã bị hư hại nên bác sĩ không thể can thiệp tái thông mạch máu, chỉ có thể cứu tính mạng bệnh nhân và giảm thiểu hệ lụy do đột quỵ để lại. Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng bị suy giảm nhận thức và khả năng giao tiếp, nửa thân bị liệt nên cả đời còn lại bệnh nhân phải ngồi xe lăn. Người nhà cho biết thêm, bệnh nhân làm nghề buôn bán tại TP HCM, trong chuyến du lịch Vũng Tàu, sau một đêm uống quá chén, người phụ nữ về khách sạn ngủ và bị đột quỵ trong đêm, đến sáng mọi người mới phát hiện.

Tăng nguy cơ tai biến mạch máu gấp 5 lần do uống rượu

Trao đổi với chúng tôi, GS Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim Mạch Quốc Gia cho biết, người uống rượu say hoàn toàn có thể bị đột quỵ thậm chí đột tử.

Theo GS Khải, đột quỵ là cơn tai biến xảy ra đột ngột. Tình trạng liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể xảy ra do gián đoạn cung cấp máu tới động mạch não, hay còn gọi là đột quỵ tắc mạch và xuất huyết não. Tình trạng tắc nghẽn kéo dài cản trở máu lưu thông lên não, khiến các tế bào não thiếu oxy quá mức dẫn đến chết não và ảnh hưởng đến các chức năng mà vùng não bị chết chi phối. Ở trường hợp xuất huyết não, một mạch máu não bị vỡ gây tổn thương cho các tế bào não. Đột quỵ xuất hiện nhanh chóng thường để lại di chứng liệt, có khi gây tử vong nếu tổn thương nặng ảnh hưởng tới các trung khu sinh tồn của não.

Nguyên nhân gây ra đột quỵ là cơn tăng huyết áp, vữa xơ động mạch não và mảng vữa xơ bị nứt, gây xuất hiện cục máu đông,  gây tắc động mạch não... Đột quỵ còn là biến chứng từ các rối loạn các trung khu sinh tồn trong não. Khi uống rượu, hô hấp, nhịp tim, tri giác, điều hòa điện giải máu đều thay đổi và hoàn toàn có thể gây ra cơn đột quỵ. Với những người huyết áp thấp và huyết áp cao khi uống rượu vào đều gây rối loạn nhịp tim. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, khó thở... do uống rượu làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 5 lần, dễ dẫn đến thuyên tắc mạch.

GS Khải khuyến cáo trong mọi trường hợp mọi người không uống rượu bia quá nhiều, bởi không chỉ có nguy cơ đột quỵ mà chúng ta còn phải chịu rất nhiều hệ luỵ từ bia rượu. Cách phòng tránh đột quỵ cách tốt nhất là không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu -  nguyên nhân dễ sinh ra cục máu đông khiến tắc mạch, không ăn quá nhiều thịt, mỡ, mặn. Ngoài ra, mọi người nên kiểm tra huyết áp, đường máu, để kịp thời chữa trị các bệnh thường gây suy vành như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... Bởi có nhiều người bị tăng huyết áp mà không biết dễ dẫn đến đột quỵ khi uống thêm chút bia rượu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên.

Khi bệnh nhân uống rượu, người nhà tuyệt đối không được gây nôn, uống nước chanh vì trong nước chanh có axit, không được cho người uống rượu tắm, không sử dụng các thuốc chống say, giải rượu...

Nếu trường hợp bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng hoặc thức ăn chứa tinh bột như ngô, khoai, sắn, hoặc sữa, đường... nhằm tránh hạ đường huyết.

Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi.

Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng như không nhận biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

 

Thu Trang (tổng hợp)