Menu
×

Biện pháp dự phòng đột tử cho những người có nguy cơ khi đi máy bay

Ngày đăng: 30/11/2017 In bài viết này

SKNT - Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, tổng thư ký hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM, có nhiều nguyên nhân gây ra đột tử như: nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim cấp, vỡ các mạch máu lớn, tai biến mạch máu não nặng với tổn thương lan toả trên diện rộng… Trong đó, nguyên nhân chiếm hàng đầu vẫn là các bệnh về tim mạch.

Trên thực tế điều trị đã ghi nhận đột tử trên máy bay hay gặp ở các trường hợp bị viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch phổi. Những trường hợp mắc các bệnh lý khác như hẹp van hai lá cũng dễ gây khó thở, dẫn đến đột tử. Ở những bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi, nguy cơ đột tử do bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu trước cũng khá cao.

“Một số trường hợp do ứ máu, dẫn tới tràn dịch màng phổi, màng bụng cũng sẽ cản trở hoạt động của phổi, của cơ hoành, gây khó thở và đột tử”.

Trong số bệnh nhân đó chủ yếu là những người đã ngồi trên máy bay với khoảng cách lớn hơn 5.000km. Trường hợp hành khách đột tử trên các chuyến bay không phải là hiếm; vì vậy, biết nguy cơ để phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng.

Bệnh nhồi máu phổi (hay tắc động mạch phổi) thường do huyết khối (cục máu đông) hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chi dưới di chuyển lên. Các cục máu đông theo hệ thống tĩnh mạch chi dưới, lên tĩnh mạch chủ bụng, vào tâm nhĩ phải, xuống tâm thất phải, lên động mạch phổi. Nếu cục máu đông có kích thước đủ lớn sẽ gây tắc nghẽn động mạch phổi khiến cho bệnh nhân bị suy hô hấp và có thể tử vong nhanh chóng nếu tắc các nhánh lớn của động mạch phổi.

Đột tử trên máy bay thường gặp ở người có tiền sử nhồi máu cơ tim, tắc động mạch phổi

Nguyên nhân do đâu?

Trong khoang máy bay hành khách, không khí rất khô, do đó có thể gây mất nước cho hành khách dẫn đến cô đặc máu làm máu dễ đông trong các tĩnh mạch sâu. Áp lực thấp khi máy bay lên cao, ngồi bất động lâu trong những chiếc ghế chật cũng góp phần gây huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Điều này đã được chứng minh bằng tỉ lệ nhồi máu phổi cao hơn ở nhóm hành khách ngồi khoang thường so với nhóm hành khách ngồi khoang VIP (ghế rộng và cử động thoải mái hơn). Các yếu tố khác như hành khách phải thắt dây an toàn liên tục, không được đi lại khi máy bay di chuyển trong vùng thời tiết xấu làm tăng tỉ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.

Những người có nguy cơ cao

Những người có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và nhồi máu phổi khi đi máy bay là những người đang bị ung thư; bị bệnh tim phổi mạn tính (suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn…); bệnh nhân có các rối loạn đông máu; béo phì, tiền căn bị viêm tắc, giãn tĩnh mạch chi dưới; người mới bị nằm lâu do phẫu thuật; người phải cố định chi dưới do gãy xương; phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ chu sản; người đang dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormon thay thế; những người có tuổi từ 40 trở lên, đặc biệt là ở người già. Các yếu tố nguy cơ khác gây huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và nhồi máu phổi là thời gian ngồi trên máy bay lớn hơn 10 tiếng và bay quãng đường từ 5.000km trở lên.

Vô cùng nguy hiểm vì đôi khi không có những dấu hiệu báo trước

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới thường biểu hiện bằng các triệu chứng như tê bì, chuột rút, rối loạn cảm giác chi bên có huyết khối. Đau chi cũng thường biểu hiện sớm, các dấu hiệu phù, sưng nề chi thường muộn và khi tĩnh mạch lớn bị tắc. Sốt và nhịp tim nhanh cũng có thể có ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới không có biểu hiện gì đặc biệt.

Các triệu chứng của nhồi máu phổi xảy ra sau triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Nhưng trên thực tế, nhiều khi huyết khối tĩnh mạch chi dưới không có biểu hiện gì đặc biệt hoặc biểu hiện nhẹ trong khi bệnh nhân bị ngay các triệu chứng rầm rộ của nhồi máu phổi như đau ngực, khó thở dữ dội, ho khạc máu hoặc bọt hồng cộng với các triệu chứng của suy thất phải cấp như nhịp tim nhanh, gan to, tĩnh mạch cổ nổi… và bệnh nhân tử vong nhanh chóng kể cả khi được cấp cứu nếu như nhồi máu phổi diện rộng.Nhồi máu phổi thường do huyết khối hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chi dưới di chuyển lên.

Phòng tránh đột quỵ trên máy bay

Dựa trên một số nghiên cứu y khoa lớn, các bác sĩ đã đưa ra các khuyến cáo về phòng tránh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và nhồi máu phổi cho hành khách đi máy bay. Các biện pháp bao gồm: đi lại trong khoang máy bay từ 15 - 30 phút đối với các chuyến bay dài từ 3 tiếng trở lên; làm một số động tác tại chỗ như co giãn cơ xương khớp như vận động bàn chân, gấp chân lên ngực, ngả người ra trước, quay cổ…; chỉ nên ngủ tối đa là 30 phút/lần; hạn chế uống rượu, cà phê để tránh nguy cơ mất nước; uống đủ nước trong suốt chuyến bay; nếu có thể, cố gắng đi bộ trong sân bay khi tạm dừng hoặc chuyển máy bay.

Đối với những người có các yếu tố nguy cơ cao như trên, nên tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên khoa trước những chuyến bay dài ngày để có thể được tư vấn thêm về các biện pháp dự phòng như băng chun chi dưới, uống các thuốc chống đông, điều trị tốt các bệnh mạn tính đang có để giảm tối thiểu nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và đột tử do nhồi máu phổi trong quá trình bay.

Thu Trang (T/H)