Menu
×

Can thiệp cấp cứu và chăm sóc người bệnh đột quỵ

Ngày đăng: 05/09/2017 In bài viết này

SKNT - Nhằm chia sẻ kinh nghiệm về chẩn đoán, xử trí và áp dụng các kỹ thuật cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, cuối tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng can thiệp cấp cứu và chăm sóc người bệnh đột quỵ”.

6 người thì có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ

GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 6 người thì có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ. Trong đó, đột quỵ do nhồi máu não chiếm từ 80-85% các trường hợp, là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hay tăng cholesterol máu, hút thuốc lá...

Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư trên toàn thế giới, đứng hàng đầu về tàn tật ở người trưởng thành, là thảm họa cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi.

Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp nhằm hai mục đích chính: hạn chế hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn các tổn thương sau đột quỵ. Nói cách khác điều trị đột quỵ phải đạt được 2 mục tiêu: “Hạn chế tàn tật và giảm tỷ lệ tử vong” theo phương châm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, điều trị tích cực, toàn diện và dự phòng là cơ bản.

Khi đột quỵ xảy ra, việc chẩn đoán nhanh, kịp thời, làm việc theo nhóm, chăm sóc và điều trị đúng từ các tuyến ban đầu theo từng giai đoạn cần phải hết sức khẩn trương để đem lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh.

Ba dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Hiện tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được phát hiện sớm còn thấp. Nhiều người bệnh đột quỵ chưa được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức, đây là thiệt thòi cho người bệnh bởi khi người bệnh đến viện sau 4,5 – 6 giờ có biểu hiện đột quỵ thì cơ hội điều trị tối ưu đã bị bỏ qua. Thời gian đó càng lâu thì phần tế bào não bị chết do thiếu oxy càng lớn vì không thể phục hồi. Người bệnh sẽ phải chấp nhận các di chứng: hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân…

“Đột quỵ xảy ra đột ngột theo phút, theo giờ. Vì thế, khi bệnh nhân có các dấu hiệu như: đột ngột mất thị lực, không nhìn thấy một hoặc cả hai bên mắt; đột ngột nói khó, méo miệng, không thể nói được; bệnh nhân đột ngột yếu tê bì, giảm vận động một/hai bên cơ thể; đột ngột đau đầu dữ đội chưa bao giờ gặp phải; ngoài ra bệnh nhân có thể chóng mặt, dấu hiệu tiền đình nên nghi ngờ đột quỵ được bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất”, PGS Tôn cảnh báo.

PGS Tôn cũng hướng dẫn cách đơn giản để nhận biết, xác định sơ bộ có đột quỵ bằng cách yêu cầu thực hiện 3 động tác: NÓI - CƯỜI - CHÀO: Hãy yêu cầu bệnh nhân NÓI. Nếu bệnh nhân nói không lưu loát như thường ngày là có bất thường; Hãy yêu cầu bệnh nhân CƯỜI. Quan sát nếu thấy khóe miệng, một bên xệ xuống là bất thường; Hãy yêu cầu bệnh nhân giơ cả hai tay lên CHÀO, tay 1 bên nào đó không giữ được rơi xuống trước, điều đó là bất thường. “Khi có cả 3 dấu hiệu bất thường, nguy cơ đột quỵ rất cao, trên 95% phải đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất có thể”, PGS Tôn khuyến cáo.

Những cơn đột quỵ rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu y tế kịp thời

Những năm qua, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đi đầu triển khai thành công các kỹ thuật cao điều trị bệnh nhân đột quỵ não cấp bằng phương pháp sử dụng thuốc tiêu huyết khối, lấy huyết khối và dẫn lưu não thất. Đến nay kỹ thuật này cũng đã được chuyển giao cho hàng trăm bác sĩ của nhiều bệnh viện trong cả nước thông qua kênh đào tạo, chỉ đạo tuyến và hệ thống bệnh viện vệ tinh. Nhờ đó rất nhiều người bị đột quỵ đã được cứu sống, phục hồi không để lại di chứng.

Vân Trang