Menu
×

Bạo hành trẻ, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày đăng: 06/12/2017 In bài viết này

SKNT - Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị bạo hành ở trường mầm non xảy ra ngày càng nhiều khiến cho dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Câu hỏi đặt ra là làm sao để bảo vệ các em, thế hệ "búp trên cành" thoát khỏi bạo hành?

Có lẽ, đã đến lúc, nếu không sẽ là quá muộn, Bộ Giaó dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải xem lại cách thức tổ chức, giám sát các lớp mầm non để ngăn chặn và chấm dứt bạo hành trẻ em.

Có nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng việc giáo dục mầm non đã có nhiều lệch lạc, “chệch đường ray”. Không ít trẻ đến trường khi còn quá nhỏ, không phải để học mà để được tăng cân đúng chuẩn hoặc gia đình không thể trông được ở nhà. Từ áp lực phải cho trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trẻ lại ngơ ngác không biết kỹ năng gì khiến các cô phải chăm sóc quá nhiều dẫn đến các ức chế tích tụ.

                  Bạo hành trẻ em tại trường mầm non cần phải được ngăn chặn. (Nguồn: Ytevietnam.edu.vn)

Theo tôi được biết, rất nhiều trường cho trẻ ăn với một thực đơn giống hệt nhau, thường là một bát cơm trộn thịt băm và một bát chan canh. Với thực đơn giống hệt nhau cho mọi đứa trẻ và các ngày trong tuần, trẻ em chán ăn là điều dễ hiểu. Khi giáo viên không thể yêu cầu trẻ ăn hết suất, phụ huynh tỏ ý không hài lòng sẽ khiến giáo viên cảm thấy ức chế, chịu nhiều áp lực.

Đó là chưa kể trẻ còn nhỏ không được gia đình dạy các kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Vì thế, từ việc ăn uống đến đi vệ sinh, mặc đồ đều do các cô làm thay. Khi phải đảm nhận lượng công việc quá tải, giáo viên dễ ức chế, dẫn đến mất kiểm soát và đánh trẻ. Trong khi đó, những biện pháp kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng chưa đủ mạnh để ngăn ngừa và răn đe.

Bảo vệ trẻ giữa vòng vây bạo lực

Về phía các cơ quan chức năng, việc đánh đập trẻ em cần phải được kiểm tra, phát giác thật sớm và xử lý nghiêm khắc, kể cả những vụ bạo hành không để lại dấu vết.

Bộ GD&ĐT cần có một chương trình đào tạo mầm non hoàn chỉnh với các kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống. Trẻ cần được đào tạo các kỹ năng từ cơ bản đến phức tạp để tự chăm sóc bản thân mình. Hơn nữa, giáo viên cũng cần học cách tôn trọng sở thích của trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh phải được tư vấn về những kiến thức và kỹ năng dạy trẻ tại gia đình, qua đó giảm áp lực cho giáo viên mầm non. Đồng hành cùng nhà trường, các cha mẹ tập các thói quen tốt ở nhà cho con, giúp con trưởng thành và tự lập từ bé.

Chính tôi cách đây hơn 40 năm cũng đã từng bị cô giáo mầm non bạo hành. Thậm chí, các cô còn để mặc tôi - một đứa trẻ hai tuổi đứng ở vỉa hè, khóa cửa trường và ra về khi bố mẹ tôi đến đón muộn. Đứa trẻ hai tuổi đó đã đứng ở vỉa hè trong hơn hai tiếng cho đến bảy giờ tối khi bố mẹ đến đón. Thật may mắn là tôi đã không bị lạc, không bị xâm hại. Tuy nhiên, kí ức khủng khiếp đó đã hằn sâu trong tôi đến tận bây giờ. Như vậy, rõ ràng những vụ bạo hành đã diễn ra từ nhiều năm nay mà Bộ GD&ĐT không xử lý được chứ không còn là vấn đề của niềm tin nữa.

Ngoài việc phát giác các vụ việc nghiêm trọng, báo chí có thể đăng các bài viết về cách thức xử lý tội phạm hành hạ trẻ em để tuyên truyền và răn đe. Báo chí cũng cần định hướng cho cha mẹ các cách thức dạy con hiệu quả để con không bị rơi vào những tình huống bạo hành.

Không thể “khoán trắng” con cho nhà trường

Thiết nghĩ, muốn chấm dứt nạn bạo hành trẻ phải bắt đầu từ phía cha mẹ. Chúng ta không thể “khoán trắng” con cho nhà trường. Cha mẹ trước khi chỉ trích giáo viên cũng cần xem lại chính mình. Nhiều ý kiến cho rằng nên lắp camera, tuy nhiên, điều các bậc phụ huynh cần chính là cái tâm, tình yêu thương của cô dành cho các con chứ không phải hình ảnh cập nhật từ lớp học qua camera.

Thời gian gần đây, hệ thống camera giám sát trở thành tiêu chí số một với không ít bậc phụ huynh khi chọn trường cho con. Như vậy, nghĩa là niềm tin của cha mẹ không dành cho giáo viên mà gửi gắm vào vật “vô tri vô giác”.

Theo tôi nghĩ, việc quản lý dựa vào camera chỉ có giá trị tức thời, là giải pháp tình thế, đối phó. Bên cạnh tình yêu của cô dành cho các học sinh, điều quan trọng là việc nâng cao kỹ năng tự chăm sóc bảo vệ bản thân cho các con, đào tạo các cô hiểu sâu về luật pháp và quyền trẻ em. Khi đó, các cô sẽ biết phải làm gì để giữ cho mình không gặp rắc rối. Đồng thời, các con tự phục vụ bản thân cũng sẽ giúp các cô thoát khỏi khá nhiều áp lực nghề nghiệp để không trút giận lên đầu trẻ.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh”, thực tế có không ít giáo viên mầm non hết lòng yêu thương trẻ. Đôi khi những chửi rủa, chụp mũ của dư luận sẽ khiến họ thêm mệt mỏi, đánh mất niềm tin vào chính bản thân mình. Phụ huynh khéo léo là người nên biết đánh giá chính xác và ứng xử lịch sự, nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Khi đó, trẻ sẽ được chăm sóc và bảo vệ tốt nhất.

Ở một khía cạnh khác, mỗi khi xảy ra vụ bạo hành trẻ em, dư luận thường lên tiếng chỉ trích người gây ra bạo hành. Nhưng hiệu trưởng và người cấp phép cho các trường cũng có trách nhiệm không nhỏ.

Ở Nhật Bản, thường hiệu trưởng trường mầm non sẽ là người phải xin lỗi đầu tiên nếu để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ. Trong nhiều trường hợp, phụ huynh kiện các trường, đòi bồi thường để nhà trường cũng như giáo viên ý thức rõ được trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, các trường học ở nước này thường sẽ phát các cẩm nang phòng chống bạo hành cho phụ huynh, ghi rõ địa chỉ cần tư vấn cũng như số điện thoại của ủy ban giáo dục địa phương, hiệu trưởng hay chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên, ở nước ta, dường như những hoạt động này chưa được chú trọng, chỉ đến khi phát giác ra bạo hành mới vào cuộc “chữa cháy”. 

                                                                                                                                                            Diệp Linh (Theo Thế giới và Việt Nam)