Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Là một trong những thuốc nằm trong danh mục thuốc thiết yếu, amlodipin tôi có tác dụng trực tiếp làm giãn cơ trơn quanh động mạch ngoại biên nên làm giảm huyết áp. Hơn nữa, ưu thế của tôi là không ảnh hưởng xấu đến nồng độ lipid trong huyết tương hoặc chuyển hóa glucose, nên có thể dùng để trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường. Do tác dụng chậm nên amlodipin tôi ít có nguy cơ hạ huyết áp cấp hoặc nhịp nhanh phản xạ. Không chỉ được dùng để hạ huyết áp mà amlodipin tôi còn dùng chống đau thắt ngực nữa.
Để điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực, liều phải phù hợp cho từng người bệnh. Vì thế, bệnh nhân cần đi khám để được bác sĩ chỉ định liều thích hợp; không được tự ý thấy người khác dùng rồi cũng dùng theo.
Đối với người bệnh tăng huyết áp bị mắc cả bệnh về xương khớp phải dùng thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt là indomethacin cần hết sức lưu ý. Vì thuốc này có thể làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của amlodipin tôi (do ức chế tổng hợp prostaglandin và/hoặc giữ natri và dịch) làm cho tôi không kiểm soát được huyết áp sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, các bạn cần thông báo cho bác sĩ biết về các thuốc đang dùng để tránh sự tương tác bất lợi do dùng nhiều thuốc một lúc gây ra.
Do phải dùng thuốc liên tục, kéo dài nên điều quan trọng nhất khi dùng amlodipin tôi, người bệnh cần nhận biết được những bất lợi có thể xảy ra như: nhức đầu, chóng mặt, đỏ bừng mặt và có cảm giác nóng, mệt mỏi, suy nhược hay buồn nôn, đau bụng, khó tiêu… và nhất là phù cổ chân từ nhẹ đến trung bình. Phù này có liên quan nhiều đến liều dùng, liều dùng càng cao thì tỷ lệ gặp triệu chứng phù cổ chân càng cao. Khi đó, có thể người bệnh sẽ phải chuyển sang dùng thuốc khác thích hợp hơn.
Nguồn SKĐS