Menu
×

Hà Nội: Hơn 240 trẻ mắc sởi, lo ngại bùng phát dịch

Ngày đăng: 23/07/2018 In bài viết này

SKNT - Theo Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 240 ca mắc sởi, trong khi cả năm 2017 mới có 60 trường hợp. Đây là điều đáng báo động, lo ngại nguy cơ bùng phát dịch vì bệnh sởi rất dễ lây lan.

Bệnh sởi đã xuất hiện ở 29 quận huyện

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, bệnh sởi đã xuất hiện ở 139 xã, phường, thị trấn thuộc 29 quận, huyện. Đặc biệt, các quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa… có số ca mắc cao hơn các năm trước.

Đối tượng mắc chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết các trường hợp mắc là do không tiêm hoặc chưa được tiêm vắc xin đầy đủ nên chưa có đủ miễn dịch.

Cũng theo ông Cảm, qua báo cáo của nhân viên bộ phận tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong tuần qua nhiều gia đình đã đưa con đến tiêm vắc xin phòng sởi, không ít trường hợp trẻ bị tiêm muộn 1- 2 tháng so với lịch quy định.

Ngoài ra, ông Cảm cũng nêu một thực tế hiện nay mà các bậc phụ huynh hay gặp phải là dễ nhầm lẫn triệu chứng sởi với bệnh Rubella (sởi Đức). Hơn nữa, các phát ban của sởi có thể nhầm với các phát ban dạng dị ứng, do vậy bệnh nhân thường chủ quan, dẫn đến bệnh nặng hơn, điều trị khó khăn.

Tiêm chủng là biện pháp phòng sởi hiệu quả

Để phòng chống bệnh sởi bùng phát, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất. Hiện nay, các trung tâm y tế đang rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Hiện nay Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng hàng tuần, thay vì hàng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Tuy nhiên, ông Cảm cũng khuyến cáo, người dân cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng để ngăn không cho dịch bệnh bùng phát.

"Đặc biệt, phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi- quai bị- rubella để phòng bệnh cho cả mẹ và con trong giai đoạn con chưa đến tuổi tiêm chủng", Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội nói.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sởi, rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Mọi người đều có thể bị mắc sởi, rubella và dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng sởi, rubella đầy đủ.

Biểu hiện của bệnh là: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não,... dễ dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh sởi, rubella, ngành Y tế khuyến cáo người dân hãy đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ trên 18 tháng tuổi, tiêm vắc xin sởi-Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.

Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.  Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày. Khử trùng và vệ sinh thông khí: Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày.

Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh rubella. Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

Theo SK&ĐS