Menu
×

Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2018

Ngày đăng: 08/01/2018 In bài viết này

SKNT - Sáng ngày 04/01/2018, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2018 tại điểm cầu Bộ Y tế ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tham dự Hội nghị trực tuyến còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo, chuyên viên các Vụ/Cục/Tổng Cục/Văn phòng Bộ Y tế, Viện, Bệnh viện trung ương trực thuộc Bộ Y tế; đại diện các Bộ/Ngành liên quan; đại diện Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc; đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam; các Trung tâm y tế dự phòng phía Bắc và phía Nam…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bộ Y tế đã ban hành Thông tư "Quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”, theo đó từ 01/01/2018 sẽ có 10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc cần tiêm chủng, áp dụng cho trẻ sơ sinh đến trẻ em 5 tuổi. Các đơn vị cần tập trung quyết liệt hơn nữa cho công tác tuyên truyền phòng chống dịch, làm tốt các nội dung khuyến cáo, thông tin đầy đủ, dễ hiểu, phù hợp với người dân.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì dẫn đầu dịch bệnh năm 2017 vẫn là dịch sốt xuất huyết với 183.287 ca mắc (154.552 nhập viện), 30 ca tử vong. Số mắc tăng từ đầu tháng 05 đến cuối tháng 08.2017, từ đầu tháng 09 đến nay số mắc giảm sâu và liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Năm 2017, sốt xuất huyết ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố, tuy nhiên số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và miền Bắc. Năm 2017 vẫn ghi nhận 169 ca mắc liên cầu lợn, cao hơn năm 2016 tới 65 ca. Đa số các ca bệnh đều có tiền sử ăn tiết canh, đồ sống hoặc giết mổ gia súc không có biện pháp phòng hộ. 38.898 ca mắc thủy đậu, tăng 45,9% so với năm 2016. Bệnh tay chân miệng là 105.953 ca mắc (48.404 nhập viện), 01 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện giảm 0,9%. Ngoài ra, các dịch bệnh khác đều giảm hoặc tăng nhẹ như sởi chỉ có 431 ca phát ban nghi sởi, không có ca tử vong, giảm 29,2% so với năm 2016 (609 ca mắc). Bệnh ho gà tăng nhẹ, ghi nhận 571 mắc, trong đó 353 trường hợp dương tính, 3 tử vong; số mắc tăng so với năm 2016. Trong 353 dương tính với vi rút ho gà thì có 133 ca (37,7%) dưới 02 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 111 ca (31,4%) không tiêm chủng, 25 ca (7,1%) không rõ tiền sử tiêm chủng, 84 ca (23,8%) trường hợp có tiêm vắc xin. Năm 2017 cũng giảm được 30% các ca tử vong do bệnh dại so với năm 2016 (91 ca).

Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, trong mùa Đông Xuân, mùa lễ hội có thời tiết lạnh ẩm, tập trung đông người, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, tập trung đông người ăn uống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như: Cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn ... Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng chưa bao phủ được 95% quy mô xã phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có dân di biến động lớn. Chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa đông xuân, mùa lễ hội và tết Nguyên đán là mục tiêu chủ đạo của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2018.

Tham luận tại Hội nghị, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: Sở Y tế đang triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018, cụ thể: Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm và thực hiện các hoạt động giám sát trọng điểm bệnh truyền nhiễm; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường và Thành đoàn, cùng với các Ban, Ngành, Đoàn thể khác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh; Chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng, bệnh viện trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động giám sát trọng điểm quốc gia; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; Đầu mối tập hợp các đề xuất kinh phí bổ sung của các đơn vị y tế trình UBND thành phố phê duyệt; Kiểm tra đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh của các đơn vị trong tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các Sở Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức quán triệt triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân trên địa bàn. Các đơn vị của ngành y tế cần phải nỗ lực, tập trung, quyết liệt, để kiểm soát tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong. Đồng thời phải phối hợp giữa các cấp chính quyền, giữa các ban, ngành, đoàn thể, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, … để cùng sát cánh với Ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch. Đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh, trong các giải pháp quan trọng vẫn là truyền thông phổ cập dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người, dịch bệnh mùa Đông Xuân, cập nhật tin dịch bệnh và hướng dẫn người dân phòng, chống dịch kịp thời./.

Nguồn BYT