Menu
×

Những sự kiện y tế đáng chú ý nhất năm 2017

Ngày đăng: 28/01/2021 In bài viết này

SKNT - Những thời khắc cuối cùng của năm 2017 đã rất gần. Hãy cùng Dân trí nhìn lại một năm nhiều thành tựu nhưng cũng lắm sóng gió của ngành y tế.

1. Lập sổ khám điện tử toàn dân

Xuất phát từ mong muốn chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân, việc thiết lập sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân bằng hồ sơ điện tử đã được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước như Bắc Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội… trong năm qua và được đưa vào Nghị quyết 20-NQ/TƯ vừa qua, tiến tới chính thức triển khai trên phạm vi cả nước vào năm 2018.

Theo đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định qua mã định danh (ID) – tích hợp sổ khám chữa bệnh, chứng minh thư, thẻ BHYT…

Thực tế cho thấy, chủ trương lớn do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Bởi người dân không chỉ được chăm sóc sức khỏe ban đầu thực sự (khám sức khỏe định kỳ) mà còn tiết kiệm chi phí (không phải làm các xét nghiệm không cần thiết) và có thể đi khám bất kỳ cơ sở y tế nào mà bác sĩ vẫn nắm được tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe.

Ở góc độ quản lý, hệ thống hồ sơ quản lý chăm sóc sức khỏe của toàn bộ người dân trên cả nước sẽ giúp Bộ Y tế nắm bắt được mô hình bệnh tật từng vùng, từng khu vực, từng lứa tuổi để từ đó có những phân tích, phục vụ công tác chuyên môn hiệu quả nhất.

Việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế.

2. Dịch sốt xuất huyết đỉnh điểm tại Hà Nội

Bắt đầu từ sự gia tăng bất thường của các ca sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội từ tháng 5, đến tháng 7/2017, dịch SXH “leo thang” trong cả nước, với số ca mắc cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Khác với mọi năm, tại miền Bắc, đỉnh dịch SXH rơi vào tháng 7 – tháng 9 thì năm nay, ngay từ đầu mùa hè, số mắc SXH đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái khiến các bác sĩ “bởi hơi tai” điều trị.

Giai đoạn cao điểm, khoa Khám bệnh (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận đến hơn 600 ca khám sốt xuất huyết mỗi ngày. Ảnh: Tờ Vũ

Các ca mắc SXH tập trung nhiều nhất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, số ca mắc SXH tại Hà Nội đã vượt TP Hồ Chí Minh. Trong tháng 8/2017, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số người mắc SXH với gần 20.000 ca mắc bệnh, với hơn 1000 ổ dịch SXH. Hà Nội phải huy động cả “vòi rồng” diệt muỗi tại các khu vực nóng, lập hàng nghìn đội xung kích vào tận nhà dân hướng dẫn diệt bọ gậy…

Các bệnh viện tại Hà Nội gần như “vỡ trận” vì SXH. Các bệnh viện phải sắp xếp lại giường bệnh, kê giường hành lang, dồn phòng của nhân viên y tế, phòng hội trường kê giường bệnh… như một bệnh viện dã chiến vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nằm viện của người bệnh SXH cần theo dõi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần vi hành tới các ổ dịch, huy động sự vào cuộc của toàn ngành y tế để ngăn chặn SXH. Thủ tướng gia chỉ đạo yêu cầu Chủ tịch các tỉnh phải chịu trách nhiệm về dịch SXH trên địa bàn.

Từ đầu năm đến hết tháng 8/2017, cả nước ghi nhận hơn 90 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong, trong đó Hà Nội 25.000 ca mắc.

3. Những “thảm họa” y khoa hy hữu

Chỉ trong 2 tháng giữa năm 2017, liên tiếp 2 sự cố y khoa hy hữu đã gây rúng động dư luận cả nước, ngành y tế thẳng thắng nhìn nhận là “thảm họa”.

Cả 2 vụ việc 8 người tử vong do chạy thận (tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình) và hơn 100 trẻ mắc sùi mào gà do chữa hẹp bao quy đầu (tại Khoái Châu, Hưng Yên) đã được khởi tố và đến nay hậu quả của nó vẫn chưa thể khắc phục.

Trong đó, “thảm họa kép” quên rửa hóa chất trong đường ống nước khiến 18 bệnh nhân suy thận bị sốc phản vệ khi chạy thận với 8 người tử vong đã không chỉ đẩy đơn vị bảo trì, sửa chữa thiết bị là công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn, vào vòng lao lý mà ngay chính các bác sĩ cũng bị liên đới khi một bác sĩ bị khởi tố, một lãnh đạo bệnh viện phải từ chức.

Gây bệnh sùi mào gà cho hơn 100 trẻ do sử dụng thủ thuật can thiệp vào bao quy đầu bằng dụng cụ y tế nhiễm vi rút HPV, y sĩ Hoàng Thị Huyền –cán bộ y tế làm việc tại Trạm xá xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên, đã chính thức bị bắt tạm giam vào những ngày cuối cùng của năm 2017. Trong khi đó, phía bệnh viện Da liễu Trung ương – nơi phát hiện vụ việc – tiêp tục cam kết điều trị miễn phí cho các bệnh nhi này trong năm 2018, giúp xoa dịu nỗi lo lắng, ân hận của các bậc cha mẹ trót đưa con đi nong bao quy đầu theo phong trào tại một phòng khám tư không biển hiệu, không rõ nhân viên làm thủ thuật công tác tại đâu.

Vẫn là nhiễm khuẩn nhưng 4 ca tử vong trong vòng mấy tiếng vào sớm ngày 20/11 đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng quá tải tại đơn nguyên chăm sóc trẻ sinh non của bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh.

4. Lần đầu tiên ghép tim trẻ em thành công

Tại BV Việt Đức, lần đầu tiên đã ghép thành công quả tim từ người lớn hiến tặng cho một bệnh nhi, kịp thời cứu sống bé trong gang tấc bởi căn bệnh suy tim giai đoạn cuối.

Ca ghép được thực hiện ngày 15/3/ 2017, ngay khi các bác sĩ nhận được tim từ một người lớn chết não hiến tạng. Dù có rất nhiều khó khăn do chênh lệch về kích thước giữa tim người cho và người nhận, nhưng với quyết tâm cứu bằng được bệnh nhi, các bác sĩ đã thực hiện ca ghép tim cho trẻ em đầu tiên thành cho, từ trái tim của một người lớn.

Về thành tựu ghép tạng, lần đầu tiên Việt Nam cũng thành công ca ghép thận chéo từ người cho sống, 2 bệnh nhân đã vượt qua bệnh tật, trở về với cuộc sống bình thường.

Khởi đầu từ một trường hợp người mẹ hiến thận cho con gái 32 tuổi, nhưng có quá nhiều yếu tố không tương thích giữa người cho – người nhận; một trường hợp khác, cô gái trẻ được bố cho thận nhưng sau nhiều tháng ngược xuôi lên TPHCM để thực hiện các xét nghiệm, bố con họ bật khóc trong tuyệt vọng khi các chỉ số giữ người cho và người nhận không tương thích.

Với chỉ số không tương thích, nếu ghép nguy cơ thải ghép tối cấp sẽ xảy ra gây nguy hiểm cho bệnh nhân, sự thất bại của cuộc ghép rất cao.

Tuy nhiên, kiểm tra chéo giữa hai cặp cho – nhận này tỉ lệ tương thích lại rất cao, gia đình hai bên vui mừng đồng thuận, ngày 11/1/2017, các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã thực hiện ca ghép thận chéo, cùng lúc thực hiện 4 cuộc phẫu thuật lấy, ghép thận cho bệnh nhân thành công.

5. Hai công trình y tế được vinh danh giải Nhân tài Đất Việt

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 trong lĩnh vực y dược được trao cho cho hai công trình: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số của Trường Đại học Y dược- Đại học Huế và công trình “Ghép thận từ người cho tim ngừng đập” của BV Chợ Rẫy.

Nghiên cứu của Trường Đại học Y dược – Đại học Huế gồm 3 công trình nghiên cứu đã được nhà trường thực hiện qua nhiều năm, trong đó cụm công trình “Tiền sản giật – Sản giật – bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vọng mẹ và thai nhi trong thai kỳ mở ra phác đồ để có thể dự phòng được bệnh lý nguy hiểm ở thai phụ.

Các bác sĩ đã theo dõi cho gần 3.500 thai phụ tuổi thai từ 11-13+6 tuần thai kỳ và phát hiện sự liên quan đột biến gene với tiền sản giật.

Qua đó công trình đã đưa ra những cơ sở để dự báo sự hình thành tiền sản giật tại thời điểm 11-13+6 tuần thai kỳ, đề tài đã thực hiện thử nghiệm (ngẫu nhiên, có nhóm chứng) về hiệu quả dự phòng Tiền sản giật bằng aspirin liều thấp và bổ sung canxi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy can thiệp aspirin liều thấp làm giảm 69% tỷ lệ Tiền sản giật; bổ sung canxi làm giảm 49% tỷ lệ Tiền sản giật. Điều này cho phép xây dựng phác đồ phòng ngừa bệnh lý tiền sản giật ngay ở giai đoạn sớm trong thai kỳ trên nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Công trình khoa học: Nghiên cứu triển khai ghép thận từ người cho tim ngừng đập của Bệnh viện Chợ Rẫy, do tập thể bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện cũng mở ra thêm một nguồn tạng hiến vô cùng quan trọng, trong bối cảnh thiếu nguồn hiến tạng như hiện nay.

Tại Việt Nam, ước tính số người cần ghép thận khoảng 10.000 người, trong đó mới thực hiện được khoảng 2.200 ca ghép từ người cho sống; 170 ca ghép từ người cho đã tử vong. Số ca được ghép mới chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu của người bệnh.

Việc có thêm một nguồn tạng hiến (từ người cho sống, người cho chết não và nay có thêm người cho tạng ngừng tim) đã mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho những người suy tạng sống leo lắt từng ngày, mở ra thêm một hướng ghép mới, tăng thêm nguồn tạng hiến sau người cho sống và người cho chết não.

Bởi hiện nay trên thế giới, nguồn hiến thận từ người cho ngừng tim đập còn nhiều hơn người chết não. Việc thêm một nguồn hiến thận sẽ mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân cần ghép.

6. Vnpharma và trách nhiệm của cục Dược

Vụ việc Vn Pharma chỉ thực sự thu hút dư luận sau khi TAND TP.HCM tuyên án các bị cáo phạm tội buôn lậu (và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức) xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma với mức án cao nhất là 12 năm tù dành cho nguyên tổng giám đốc công ty này vào ngày 25/8.

Tuy nhiên sau 12 ngày xét và nghị án trong phiên phúc thẩm, (20-30/10), TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định đây là một vụ án lớn, gây dư luận xã hội quan tâm, cấp sơ thẩm chưa phản ánh đúng mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo cũng như tính chất vụ án; có dấu hiệu lọt người, lọt hành vi phạm tội, không phản ánh đúng tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm.

Hội đồng xét xử nhận định, cần phải khởi tố điều tra về hành vi buôn bán thuốc giả và đã trả hồ sơ về cho viện Kiểm soát nhân dân để làm rõ những giấy tờ mà các bị cáo sử dụng nhập khẩu lô thuốc H-Capita, nguồn gốc xuất xứ lô thuốc, công ty Helix Canada có thật hay không, trách nhiệm và hành vi của nhiều cá nhân liên quan chưa bị khởi tố. Đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Trong thời gian diễn ra phiên tòa phúc thẩm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng 26/9, Thanh tra Chính phủ đã công bố thanh tra tại Bộ Y tế liên quan đến việc cấp phép, trúng thầu cung cấp thuốc của Công ty Cổ phần VN Pharma.

Hiện nay kết quả thanh tra này đang được hoàn tất và sớm công bố tới dư luận.

7. Trẻ được cấp mã ID riêng trong tiêm chủng

Lần đầu tiên, hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia được áp dụng từ ngày 1/6/2017, với mục tiêu sau 1 năm, tại 17 nghìn điểm tiêm chủng trên toàn quốc sẽ không còn sử dụng giấy tiêm chủng.

Với hệ thống này, mỗi một em bé sau khi chào đời sẽ được cấp một mã ID riêng về tiêm chủng để bố mẹ, cán bộ y tế có thể dễ dàng quản lý, theo dõi các mũi tiêm từ máy tính, điện thoại di động. Việc nhắc tiêm cũng sẽ được nhắn tin đến điện thoại riêng đã được đăng kí. Các thông tin phản ứng sau tiêm, mũi tiêm còn lại… đều được cập nhật rõ ràng trên hệ thống điện tử.

Bên cạnh đó, việc quản lý số liệu thống kê tiêm chủng đã được hiện đại hoá, thay thế hoàn toàn việc sử dụng giấy giúp cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cán bộ y tế tại các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          Diệp Linh ( Theo Dântrí)