Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Rác thải y tế hiện rất lớn
Thừa Thiên Huế hiện tại có nhiều bệnh viện lớn, trong đó phải kể đến Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện trường Đại học Y dược Huế là hai bệnh viện có số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh rất cao.
Ngoài ra, hệ thống y tế công lập trong tỉnh Thừa Thiên Huế có 4.343 giường bệnh (không kể giường phòng khám khu vực và giường trạm y tế xã). Công suất sử dụng giường bệnh trong các cơ sở y tế công luôn lớn hơn 100%. Từ đó, lượng chất thải y tế phát sinh từ các bệnh viện là rất lớn.
Bệnh viện Trung ương Huế mỗi ngày có lượng bệnh nhân đến khám và điều trị rất lớn
Được biết, thống kê và tính toán sơ bộ năm 2015 của ngành Y tế Thừa Thiên Huế cho thấy, tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh là 6.832 kg/ngày (2.494 tấn/ năm). Trong đó, 1.079 kg/ngày (394 tấn/năm) là chất thải rắn y tế nguy hại và 5.772 kg/ngày (2.107 tấn/năm) là chất thải thông thường. Đối với nước thải y tế, tính bình quân mỗi ngày, tại các cơ sở y tế lớn trên địa bàn tỉnh xả ra môi trường khoảng 2.258 - 4.766 m3/ngày đêm, ước tính đến năm 2020 tăng lên 3.459 - 7.303 m3/ngày.
Trong số các chất thải trên, nhiều loại rất nguy hiểm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng như kim tiêm, kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác. Ngoài ra, còn có các chất thải dễ lây nhiễm dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao như: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm...
Theo Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế Nguyễn Nam Hùng, công tác thu gom, phân loại chất thải y tế, nhất là chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hiện tượng để chất thải có tính nguy hại không đúng với dụng cụ, thiết bị thu gom theo quy định hoặc có lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường/chất thải nguy hại khác loại. Bên cạnh đó, công tác thu gom vận chuyển và xử lý còn nhiều hạn chế, sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng nếu không kịp thời xử lý.
Cần xử lý triệt để
Trong quyết định phê duyệt “Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế của UBND tỉnh, yêu cầu đặt ra là đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong đó, chất thải y tế nguy hại và các chất thải y tế thông thường phải được thu gom, phân loại riêng theo đúng quy định về quản lý chất thải y tế và phân loại riêng với chất thải y tế thông thường ngay tại nguồn phát sinh và tại thời điểm phát sinh.
Rác thải y tế tại Huế
Các cơ sở y tế có trách nhiệm thu gom, phân loại chất thải y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất là 01 (một) lần/ngày. Riêng đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 01(một) lần/tuần.
Các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế và bệnh viện phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế không quá 2 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 80C, thời gian lưu giữ tối đa là 7 ngày.
Đối với nước thải y tế nguy hại, cần tách biệt triệt để hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn với hệ thống thu gom nước thải. Nghiên cứu để tách, thu gom riêng nước thải y tế nguy hại với nước thải y tế thông thường để đảm bảo khả năng xử lý của hệ thống xử lý nước thải đối với những cơ sở chưa tách riêng các hệ thống thu gom nước thải.
Về phương thức vận chuyển, đối với các cơ sở xử lý tại chỗ, thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các khu vực phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải y tế của đơn vị để xử lý đảm bảo đúng quy trình. Đối với việc vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế trong cụm đến cơ sở xử lý cho cụm phải thuê đơn vị bên ngoài có giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại để thực hiện vận chuyển chất thải của cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm...
Nguồn TN&MT