Menu
×

Không dùng Aspirin và Ibuprofen hạ sốt trong điều trị sốt xuất huyết

Ngày đăng: 09/09/2020 In bài viết này

Aspirin và Ibuprofen hạ sốt mạnh và thời gian tác dụng dài hơn so với Paracetamol, song không được dùng cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì có thể gây xuất huyết tiêu hóa.

Aspirin là thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau ở liều cao và chống kết tập tiểu cầu ở liều thấp hơn. Tuy nhiên, Aspirin lại là thuốc chống chỉ định trong bệnh sốt xuất huyết. Điều này được lý giải là do tác dụng chống tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến hiện tượng chảy máu do sốt xuất huyết không cầm được, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa, khiến bệnh trầm trọng hơn.

Vì vậy, không dùng aspirin cho người lớn và trẻ em khi bị sốt xuất huyết, đặc biệt đối với trẻ em Aspirin còn gây hội chứng Reye (gây phù não, suy gan nhiễm mỡ, tỷ lệ tử vong lên đến 30-50% và có nguy cơ để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn). Ngoài ra, Aspirin còn gây bỏng rát đường tiêu hóa, suy hô hấp, đặc biệt gây co thắt phế quản và làm nặng thêm bệnh hen suyễn.

Ngoài Aspirin còn Ibuprofen thường hay được sử dụng để hạ nhiệt giảm đau và kháng viêm cho những bệnh nhân bị sốt. Tuy tác dụng ngưng kết tập tiểu cầu của các thuốc này không mạnh như Aspirin nhưng vẫn tồn tại đặc tính này với mức độ khác nhau, vì vậy nguy cơ chảy máu khó cầm trong sốt xuất huyết vẫn xảy ra.

Do đó Ibuprofen và Aspirin không được khuyên dùng để điều trị triệu chứng trong bệnh sốt xuất huyết.

Ban xuất huyết ở người bị sốt xuất huyết

Vậy thuốc hạ sốt nào thường được dùng trong điều trị sốt xuất huyết?

Khi mới bắt đầu có triệu chứng sốt và chưa có chẩn đoán nguyên nhân do đâu (có thể là sốt xuất huyết hoặc không) thì người bệnh tốt nhất nên sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol (acetaminophen). Thuốc này nên được dự trữ sẵn trong tủ thuốc của mỗi gia đình.

Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt

Việc sử dụng thuốc hạ sốt luôn là vấn đề cần phải cân nhắc, tuy nhiên không vì vậy mà để triệu chứng sốt kéo dài không dùng đến thuốc. Hiện tượng sốt có bản chất là một phản ứng cấp tính, rất dễ dẫn đến biến chứng dù với trẻ em, người trưởng thành hoặc người già. Vì vậy, cần phải hết sức khẩn trương trong việc hạ sốt ngay, tránh để sốt cao kéo dài.

Như đã đề cập ở trên, thuốc hạ sốt Paracetamol (acetaminophen) là thuốc thông dụng và tương đối an toàn, có thể tự sử dụng tại nhà khi bị sốt, tuy nhiên vẫn phải tuân theo các quy tắc chặt chẽ như sau:

Sốt từ 39 độ C cần dùng thuốc hạ sốt ngay

  • Sốt từ 39 độ C thì bắt buộc phải dùng thuốc hạ sốt. Đối với trẻ em chỉ cần sốt trên 38,5 độ C đã phải dùng thuốc ngay vì tốc độ gia tăng thân nhiệt của trẻ lên đến 39-40 độ C là rất nhanh, đây là ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm.
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, không dùng quá liều, không dùng phối hợp với các thuốc có chứa cùng hoạt chất paracetamol vì dễ dẫn đến quá liều.
  • Thuốc paracetamol cho trẻ em có nhiều dạng bào chế (thuốc viên, siro uống, thuốc bột, thuốc cốm, viên sủi và viên đặt hậu môn), không dùng phối hợp các đường dùng khác nhau, chỉ sử dụng một dạng bào chế để tránh nguy cơ ngộ độc thuốc gây tổn thương gan, suy giảm chức năng gan.
  • Trước khi dùng thuốc nên kết hợp chườm mát, nằm nghỉ ở nơi thoáng đãng, uống đủ nước.
  • Theo dõi thân nhiệt thường xuyên
  • Tìm kiếm các dấu hiệu của sốt xuất huyết để nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám.
  • Không dùng liên tiếp các liều paracetamol trong khoảng thời gian dưới 4 giờ

TẠP CHÍ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG