Menu
×

Nghị quyết TW 6 về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Ngày đăng: 30/10/2017 In bài viết này

SKNT - Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước 81.115 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, có 7.546 cơ sở đã bị xử lý, 299 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 303 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành; 659 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 3.749 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.175 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII

Vệ sinh an toàn thực phẩm trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng đang tạo lo lắng cho người dân, nhiều sự kiện như việc sử dụng các hóa chất cấm dùng trong việc nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm; sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng gây ra ảnh hưởng xấu tới người tiêu dùng. Các vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể, nhiều dịch bệnh xảy ra ở khắp mọi nơi càng làm bùng lên sự lo âu của cộng đồng.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng tràn ngập các bài viết về an toàn thực phẩm, thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay: thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây "tắm" trong hóa chất độc hại… Người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin khi liên tiếp tiếp nhận thông tin về những lần cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm nhập lậu.

Số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu về khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước 81.115 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, có 7.546 cơ sở đã bị xử lý, 299 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 303 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành; 659 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 3.749 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.175 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.592 người mắc, 1.483 người đi viện và 16 trường hợp tử vong.

Như vậy, có thể thấy thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay đã tới mức báo động đỏ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe của cộng đồng.

Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm  tại một cơ sở

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nhấn mạnh “Khẩn trương hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc.”

Chính vì vậy rất cần các cơ quan có thẩm quyền và được giao thẩm quyền cần thực hiện nhiệm vụ được giao một cách khẩn trương, triệt để, mang lại quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thu Trang