Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
1. Ngày 7.1.2018, BV Tâm thần TW I tiếp nhận một nữ sinh 18 tuổi, ở Hà Nội, do cha mẹ đưa đến trong tình trạng bất tỉnh. Gia đình nói rõ rằng con gái họ nghiện mạng xã hội rất nặng dẫn đến trầm cảm. Trước khi vào lớp 12, cháu học giỏi, rất ngoan. Bốn tháng gần đây, cháu học tập giảm sút trầm trọng, suốt ngày ôm điện thoại, lướt FB triền miên, đến bữa cũng không muốn ăn, nhiều hôm thức đến 2 - 3 giờ sáng. Có lần bố về nhà có việc, bắt quả tang cháu trốn học ở nhà ôm điện thoại; tính nết thay đổi, sống khép mình, không giao lưu với bạn bè. Ngày 20.11 vừa qua, các bạn rủ đi thăm thầy cô cũng không đi; gia đình đã mời bác sĩ tâm lý đến nhà nhưng cháu bất hợp tác. Khuyên bảo không được, gia đình cắt mạng Internet, không ngờ cháu phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc, chửi rủa, chống trả bố mẹ. Cực chẳng đã, nghe theo bác sĩ, gia đình phải dùng thuốc mê để đưa cháu đi bệnh viện.
Cuối tháng 12.2017, một cậu bé 14 tuổi, ở Hà Nội, nhập Viện sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, Hà Nội, trong tình trạng co giật. Bố mẹ cho biết, mỗi ngày cậu lướt FB hơn 10 tiếng, cứ đi học về là ôm điện thoại, nằm trong phòng lướt, cả lúc ăn hay đi vệ sinh cũng ôm điện thoại. Khi phụ huynh thu điện thoại, cậu thu mình lại kể cả suy nghĩ và hành động rồi xuất hiện co giật. Khi khám, phát hiện cháu có triệu chứng ảo thanh ra lệnh (một loại ảo giác): Cứ vào chạng vạng tối, luôn có tiếng nói bên tai, lúc giọng đàn ông, lúc giọng phụ nữ thúc giục “mày phải chơi đi”... Phải chỉ định dùng thuốc chống loạn thần, ảo giác cho cháu mới hết, thời gian sử dụng FB sau đó giảm dần…
Nghiện facebook mắc ở mọi lứa tuổi
2. Phòng điều trị nghiện chất của Viện sức khỏe tâm thần cũng điều trị một nam sinh viên 20 tuổi, từ BV khác chuyển đến. Từ khi còn học PTTH, cậu đã được sử dụng máy tính bảng; khi học đại học ở Hà Nội, lại có thêm laptop. Một ngày, cậu có 8 đến 10 tiếng trên FB, bỏ cả lên lớp, học hành sa sút nên bị đuổi học. Về quê, cứ 5 - 6h chiều, cậu lại sang ngôi nhà hoang của hàng xóm ngồi lặng lẽ mấy tiếng đồng hồ... Làm test chẩn đoán, phát hiện cậu bị trầm cảm thứ phát, mức độ nhẹ. BS tư vấn cho gia đình “giải thoát” cho cậu khỏi trầm cảm và nghiện mạng bằng cách bắt đi làm ruộng, cứ chiều đến phải phụ mẹ nấu cơm. Sau hơn 1 tháng áp dụng, bệnh nhân đã hết nghiện...
Từ hai ca bệnh này cho thấy mối liên quan giữa rối loạn tâm thần và FB. BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần cho biết, chưa tiếp nhận một trường hợp nào nghiện FB đơn thuần. BS Tô Thanh Phương, Giám đốc BV tâm thần TW I, Thường Tín, Hà Nội cho biết cũng chỉ nhận điều trị 3 người có biểu hiện nghiện FB. BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc BV tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội nói những ngày gần đây không có người nào biểu hiện nghiện FB vào viện này. Vì thế, có thể khẳng định, thông tin phát tán trên mạng “những người nghiện FB ùn ùn nhập viện tâm thần” là tin thất thiệt.
3. Nói đi thì phải nói lại, có người nghiện FB hay không và nhiều hay ít? Tính đến tháng 7.2017, Việt Nam có khoảng 64 triệu người có tài khoản/khoảng 2 tỉ người dùng FB toàn cầu, đứng thứ 7/10 nước có nhiều người dùng FB nhất thế giới?! Thuật ngữ tiếng Anh “Internet addiction” là nghiện Internet bao gồm nghiện game online và nghiện mạng xã hội, “là một rối loạn kiểm soát xung lực không liên quan đến chất gây nghiện, tương tự như nghiện đánh bạc, nghiện tình dục...”, một loại bệnh lý tâm thần gây ảnh hưởng tới sức khỏe, làm sao nhãng học tập, làm việc.
Có tới 38% dân số toàn cầu nghiện Internet với các triệu chứng: Sử dụng Internet quá nhiều; thức rất khuya và dính chặt lấy Internet; thay đổi tâm trạng và thường xuyên bồn chồn khi không sử dụng Internet; không thể kiểm soát khoảng thời gian lang thang trên mạng hoặc giao thiệp với cuộc sống bên ngoài ngày càng ít.v.v...
Có lẽ cần một cái nhìn theo quan điểm phòng bệnh, như trước đây, nghiện game tuy chưa được công nhận và phân loại chính thức trong các Bảng phân loại bệnh tâm thần của Tổ chức y tế thế giới (IDC10) hoặc của Mỹ (DSM 5), nhưng Hội Tâm thần học Mỹ đã coi đây là một rối loạn tâm thần. Những biểu hiện “nghiện” game mà họ mô tả oái ăm thay, cũng thấy biểu hiện hầu hết ở những người nghiện FB.
4. Một người được coi nghiện game có 2 nhóm triệu chứng. Nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy: Gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào game cả về cảm xúc (vui, buồn...), tâm lý, nhận thức; luôn cảm thấy thèm muốn chơi game; phải xa máy tính, luôn thèm muốn, luôn nói về game, mất tập trung, hay cáu gắt hoặc mất các hứng thú khác. Chơi game liên tục, không nghỉ trong nhiều giờ và không có khả năng giới hạn thời gian chơi. Nhiều người chơi thâu đêm suốt sáng... Mất các mối quan tâm: Bỏ bê học hành, công việc, sự nghiệp, mọi mối quan hệ bạn bè, gia đình, những người trước đây từng rất thân thiết với họ. Nếu nặng, bỏ cả vệ sinh cá nhân, người thường hôi hám... Thứ hai là nhóm triệu trứng trầm cảm: Thường có trạng thái phấn khích khi chơi, nhưng nhanh chóng chuyển thành thất vọng và thất vọng có thể chỉ tồn tại trong lúc chơi, nhưng cũng có thể tồn tại cả ngày. Dần dần, khí sắc trầm, mất ngủ, chán ăn, ăn ít, hầu như không có hứng thú và mất cảm giác với đời sống thực; biểu hiện rối loạn tâm thần - vận động, giảm sút năng lượng sống; thường có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi; khó tập trung suy nghĩ hoặc ra quyết định trong học tập hay làm việc; nguy hiểm hơn, nhiều người có ý tưởng muốn chết hoặc hành vi tự sát.
Ngoài những hệ quả tất yếu là: Giận dữ, bất an và khó chịu khi bị ngăn cấm; lừa dối gia đình, bạn bè để che giấu mức độ chơi; trộm cắp để có tiền chơi; chơi để trốn việc nhà, việc học và các trách nhiệm, để giải tỏa buồn bực, trầm cảm, căng thẳng... thì hầu hết các game thủ bị rối loạn giấc ngủ, tiền đề phát sinh những rối loạn tâm thần. Một nguy hại lớn khác là các bạn trẻ dễ bị lôi cuốn vào các giá trị ảo: “tút” một tấm ảnh thật đẹp, chăm chút từng câu status (trạng thái) để thu hút... rất ít có giá trị và hiệu quả trong đời sống thực, nhưng làm cho mình cách biệt, cô đơn, thậm chí thành vô dụng trong cuộc sống. Chưa kể khi tung clip đen lên FB để rồi phải thu mình không giao tiếp, thậm chí nghỉ học, cá biệt là tự sát vì xấu hổ; hoặc lập fanpage nói xấu cha mẹ, thầy cô, bị búa rìu dư luận, bị nhà trường buộc nghỉ học; hoặc bị tai nạn giao thông vì lướt FB... Nếu phát ngôn thiếu khiêm tốn, nói tục, chửi thề, sẽ là một vết bùn trên “bộ mặt online”; công khai hình ảnh hở hang; chụp ảnh nhà lầu, xe hơi, đồ đắt tiền... như một cách tiếp thị bản thân thì rõ là nông cạn. Nên biết, nhan sắc và đồ đắt tiền... chỉ làm mờ mắt người háo sắc, tham lam. Theo BBC, Bảng phân loại quốc tế bệnh tâm thần (ICD 11) WHO mới công bố đầu năm 2018, đã có mã chứng bệnh “rối loạn chơi game”. Ở mục mô tả chứng nghiện game, ICD khuyến cáo chơi game bất thường kéo dài ít nhất 12 tháng cần được chẩn đoán và điều trị...
5. Nghiện FB mắc ở mọi lứa tuổi, nên khi thấy bản thân, con cái có những biểu hiện: Dùng FB rất nhiều, tác động tiêu cực đến công việc, học tập; đã cố gắng cắt giảm sử dụng nhưng không được; cảm thấy có sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều; bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng, là đã “nghiện”.
Đến nay, chưa có loại thuốc nào chữa được nghiện FB, mà chỉ có những can thiệp tâm lý để làm mờ nhạt dần tình trạng nghiện. Nghiện mới 6 tháng, được coi là trạng thái cấp tính cũng phải điều trị ít nhất 6 tháng. Nếu đã nghiện trên sáu tháng, được coi là mạn tính, phải điều trị kéo dài 3 - 5 năm. Thuốc chỉ dùng với những bệnh nhân có các bệnh đồng thời khác như HIV, viêm gan B... hoặc xuất hiện hậu quả của nghiện FB như mất ngủ, trầm cảm... Cần lắm, cha mẹ giúp trẻ có nhiều sân chơi lành để không bị cuốn vào thế giới ảo.
Nhận thức được những hệ lụy cho phát triển của trẻ nhỏ, nên từ 4.7.2017, Tecent - hãng cung cấp dịch vụ game online lớn nhất Trung Quốc đã khống chế game “King of Glory” nổi tiếng nhất của họ với trẻ 12 tuổi trở xuống chỉ được chơi 1 giờ/ngày, không được phép đăng nhập sau 21h, hạn chế số tiền nộp vào tài khoản; từ 12 - 18 tuổi là 2 giờ/ngày; vi phạm sẽ bị buộc phải “rời cuộc chơi”. Tháng 4.2017, một game thủ 17 tuổi ở tỉnh Quảng Đông đã đột quỵ, tử vong vì chơi game “King of Glory” liền 40h. Còn nói như một bài báo mạng “chứng nghiện Facebook chỉ là khuyến cáo của các nhà tâm lý” thì thật là thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm!
BS BÌNH NGUYÊN