Menu
×

Nhiều ẩn họa từ rượu chứa cồn công nghiệp tràn lan trên thị trường

Ngày đăng: 31/01/2018 In bài viết này

SKNT - Rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) hàm lượng cao đang tràn lan trên thị trường là nguyên nhân gây nên các vụ ngộ độc rượu, làm nhiều người chết.

Tại hội thảo "Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018" do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 31/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, hiện nay, ở Việt Nam có hơn 320 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại tại hội thảo

Bên cạnh những lợi ích mang lại cho nền kinh tế thì việc lạm dụng rượu bia, vấn đề chất lượng, an toàn rượu bia và những hệ lụy của nó đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng như các tổn hại về mặt sức khỏe, tâm thần, tính mạng người tiêu dùng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông và ngộ độc do rượu không bảo đảm an toàn.

“Lạm dụng rượu bia kông chỉ là nguyên nhân gây ra các hành vi thiếu chuẩn mực trong xã hội, gây ra tai nạn giao thông, uống rượu bia quá mức còn gây ra 60 loại bệnh khác nhau. Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do rượu chiếm khoảng 6% và đang có xu hướng gia tăng”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục trưởng cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) trong năm 2017, cả nước đã ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu làm 119 người mắc, 11 người chết. Số vụ ngộ độc thực phẩm do rượu tập trung nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 40 trường hợp tại 12 quận/huyện bị ngộ độc rượu có chứa methanol. Ngộ độc rượu, bia đang là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, hiện trên thị trường vẫn tồn tại các loại rượu không bảo đảm an toàn và rượu chứa hàm lượng methanol cao. Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc rượu đang có xu hướng gia tăng. Vấn đề này rất khó kiểm soát do trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh rượu; nhất là các rượu sản xuất thủ công hiện nay còn thấp. Đặc biêt, chính nhận thức của người tiêu dùng về quan tâm đến chất lượng rượu cũng chưa cao, các cơ quan chức năng cũng chưa quản lý hiệu quả chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là rượu thủ công.

Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5 – 6% số bệnh nhân tâm thần và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc do rượu trắng cao nhất là 42,9%, rượu ngâm thuốc là 36,0%, rượu ngâm củ ấu là 16,0%, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn) là 10,7%...

Đáng chú ý, việc lạm dụng rượu về số lượng, chủng loại rượu, đặc biệt trong số đó có nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha chế, không có nguồn gốc xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, không nhãn mác và đặc biệt là rượu giả được sản xuất từ những nguyên liệu độc hại, bị cấm (cồn methanol) do gian lận thương mại đang gây gây ngộ độc cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và an sinh xã hội như  vụ ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao tại bản Tải Chải, xã Maly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày 13/2/2017 làm 68 người mắc có 10 người chết; tại Hà Nội, rải rác trong năm 2017 đã có tới 9 người tử vong được chẩn đoán do rượu có methanol cao…

Nạn nhân bị ngộ độc rươu điều trị tại Trung tâm chống độc-Bệnh viện Bạch Mai

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để đảm bảo chất lượng rượu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới để hạn chế các vụ ngộ độc rượu; ngành Y tế sẽ thanh, kiểm tra thường xuyên nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, nhất là tăng cường hệ thống để giám sát và phòng chống các ca ngộ độc rượu.

Tại hội thảo, ThS Nguyễn Trung Nguyên, lãnh đạo Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, việc ngộ độc rượu methanol nổi lên gần đây hẳn là sự pha trộn có chủ ý của người sản xuất để bán kiếm lời. Vì thế, muốn quản lý chặt, phải quản lý từ khâu đầu vào để người kinh doanh rượu, họ phải chịu trách nhiệm với sản phẩm mà mình bán ra. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên sử dụng lượng cồn trong giới hạn cho phép; không sử dụng rượu, bia không có nguồn gốc rõ ràng.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Hùng Long nói: chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công thương, nhằm tránh tình trạng nhầm lẫn trong sử dụng cồn công nghiệp thì cần quy định việc cho chất chỉ thị màu, xanh-mê-thi-len; tức là cồn công nghiệp phải có màu xanh, như vậy khi nhìn vào là phát hiện được ngay và không uống. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công thương sớm thực hiện được việc này để hạn chế tình trạng ngộ độc do sử dụng cồn.

(Theo SKĐS)