Menu
×

Những nguyên tắc về chế độ ăn cho người đái tháo đường

Ngày đăng: 16/01/2018 In bài viết này

SKNT - Người đái tháo đường có thể sống khỏe mạnh nếu biết cách ăn uống, luyện tập và dùng thuốc. Những nguyên tắc chính sau sẽ giúp người đái tháo đường có thể có cuộc sống gần như người bình thường. Sự kiêng khem quá mức có thể dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe của người đái tháo đường.

1. Nguyên tắc:Chế độ ăn rất quan trọng với cả bệnh nhân đái tháo đường týp 1 và týp 2. Chế độ ăn cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

  • Đủ chất đạm, chất béo, chất đường, vitamin, nước và muối khoáng
  • Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn
  • Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn
  • Đủ duy trì hoạt động bình thường hàng ngày
  • Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng
  • Không làm tăng các yếu tố nguy cơ: rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, suy thận…
  • Phù hợp với tập quán ăn uống
  • Đơn giản, rẻ tiền
  • Không thay đổi quá nhanh, nhiều khối lượng bữa ăn

2. Nhu cầu năng lượng

Tuy nhiên không thể có một chế độ ăn áp dụng chung cho mọi người mà cần phải xây dựng một chế độ ăn thích hợp cho từng cá nhân. Chế độ ăn riêng cho từng cá nhân phụ thuộc vào các yếu tố sau:

1. Mức cân nặng, giới tính

2. Nghề nghiệp (mức độ lao động nhẹ, trung bình, nặng).

3. Thói quen và sở thích.

Cân nặng lý tưởng được tính theo CT:

P = T – 100 – (T – 150)/N

  • P: cân nặng (kg)
  • T: chiều cao (cm)
  • N = 4 (nam), 2 (nữ)

Chế độ ăn đáp ứng nhu cầu năng lượng:

Thể trạng

Lao động nhẹ

Lao động vừa

Lao động nặng

Gầy

35 Kcal/kg

40 Kcal/kg

45 Kcal/kg

Trung bình

30 Kcal/kg

35 Kcal/kg

40 Kcal/kg

Mập

25 Kcal/kg

30 Kcal/kg

35 Kcal/kg

3. Tỷ lệ các loại thức ăn

3.1 Nhóm cung cấp chất bột, đường

  • Nhóm cung cấp chất bột, đường là nguồn cung cấp năng lượng chính, chiếm 60 – 70% tổng số calo
  • Gồm: gạo, khoai, sắn, ngô, bánh mỳ, miến, đậu hạt..
  • Gạo: ngày ăn 250g tương đương 4-5 bát cơm
  • Không ăn: đường, mía, mật ong, bánh kẹo, kem, mứt, nước ngọt
  • Hạn chế: khoai tây, miến, bánh mỳ
  • Nên ăn các loại ngũ cốc toàn phần có đủ vit, chất xơ và muối khoáng.
  • Phương thức chế biến chủ yếu là luộc, nướng hoặc hầm chứ không nên chiên xào

3.2. Nhóm cung cấp chất béo

  • Chiếm tỷ lệ 15 – 20% tổng số calo, giảm khi có nguy cơ tim mạch
  • Mỡ tốt, nên sử dụng: dầu đậu nành, dầu hướng dương, omega 3, omega 6
  • Mỡ tốt có nhiều trong các loại cá, đậu …
  • Mỡ xấu, nên hạn chế sử dụng: bơ, mỡ, phủ tạng động vật, thịt đỏ (thịt bò, dê)

3.3. Nhóm cung cấp chất đạm

  • Tỷ lệ 10 – 20% tổng số calo, tương ứng 0.8 – 1.2g/kg cân nặng
  • Khi suy thận cần giảm 0.6g/kg cân nặng
  • Nên ăn đạm thực vật: đậu phụ, sữa đậu nành không đường.

3.4.  Nhóm cung cấp vitamin và khoáng chất

  • Rau: ăn được tất cả các loại rau, ăn sống, luộc hoặc hấp.
  • Quả: nên ăn quả tươi, nguyên trái, quả ít ngọt (cam, bưởi, đào, thanh long, mận…)
  • Hạn chế: ăn quả sấy khô, dùng nước ép, quả ngọt nhiều (mít, xoài, chuối, na, nho, sầu riêng…)

3.5. Sữa và các sản phẩm từ sữa

  • Nên dùng sữa ít hoặc không béo
  • Nên dùng sữa dành riêng cho BN ĐTĐ
  • Không nên uống sữa vào buổi tối trừ những người gầy nhiều

3.6. Rượu, bia

  • Rượu, đặc biệt rượu vang với lượng vừa phải
  • Uống nhiều gây khó kiểm soát đường máu
  • Rượu vang < 150 ml, Rượu mạnh < 50 ml, Bia < 400 ml

4. Phân bố bữa ăn

Không ăn quá no một bữa, nên ăn chính vào bữa sáng, sau 3 bữa ăn chính không nên ăn tráng miệng ngay mà nên ăn vào giữa buổi như 3 – 4h chiều hoặc 10h sáng thì ăn hoa quả hoặc các sản phẩm sữa.

Nên cố định giờ ăn và ổn định lượng thực phẩm ăn vào.

Nếu không phải hạn chế vận động do phù, THA, bệnh mạch vành thì nên vận động khoảng 10 – 15ph sau bữa ăn chính được 1h.

5. Tiêu chí lựa chọn thực phẩm

  • Tiêu chí lựa chọn thực phẩm cho BN ĐTĐ
    • Hàm lượng đường thấp (tiêu chí chính)
    • Chỉ số đường huyết thấp (CSĐH)
    • Hàm lượng chất xơ cao
  • Cố gắng lựa chọn thực phẩm có càng nhiều tiêu chí trên thì càng tốt

Trên đây là một số nguyên tắc chính mà người đái tháo đường và những người có nguy cơ mắc đái tháo đường cần nắm để thực hiện nhằm có cuộc sống khỏe mạnh.

Đ.Đ.T