Menu
×

Những sai lầm nhiều người chưa biết khi ăn quả na

Ngày đăng: 06/09/2017 In bài viết này

SKNT - Na vừa là loại quả vừa bổ dưỡng lại vừa là vị thuốc chữa bệnh tuyệt vời. Tuy nhiên để có thể tận dụng hết những công dụng của na, bạn cần hiểu rõ những đặc tính sau để tránh.

Quả na chín có mùi vị thơm ngon đặc biệt, thịt quả mềm và thơm, ngọt, ngon, được nhiều người ưa dùng với tác dụng bổ dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Trong na có chứa nhiều vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates và một số vitamin và khoáng chất thiết yếu rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, với những đặc tính của quả na, khi ăn cần lưu ý những điều sau đây:

Quả na ăn nhiều dễ mọc mụn, táo bón

Na được nhiều người ưa thích và nhầm tưởng là quả “lành tính”, nhưng thực ra na lại là một trong số các loại quả gây nóng cho cơ thể. Chỉ cần một vài quả là khiến da bị nổi mụn cho một số người vốn sẵn tính nóng trong người. Thậm chí, tình huống xấu hơn là nhiều người khi ăn na xong sẽ bị táo bón, mọc mụn.

Na ngọt nhưng có tác dụng giảm cân

Nhiều người cho rằng, ngọt lịm, vị ngon nên dễ ăn nhiều vì vậy rất dễ tăng cân. Tuy nhiên, ưu điển rất lớn trong quả na là chứa rất nhiều vitamin C, không chứa chất béo bão hòa và cholesterol, hàm lượng natri thấp, nên rất có lợi cho những người ăn kiêng hoặc đang có ý định giảm cân.

Hãy thêm vào khẩu phần ăn mỗi ngày của bạn 1 quả na . Bạn sẽ thấy tác dụng giảm cân rõ rệt sau vài tuần.  Chú ý: trong khẩu phần ăn nên có na chứ không phải ăn nhiều na sẽ có tác dụng giảm cân. Ăn nhiều na quá cùng một lúc, ăn ngay sau ăn bữa cơm chính hoặc ăn buổi tối sẽ không tốt cho những người có ý định giảm cân.

Không cắn vỡ hạt na khi ăn

Hạt của qủa na có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh nhưng lại có độc tố cao. Vì vậy khi ăn nên cẩn thận, nếu sơ ý nuốt phải hạt thì không sao vì hạt na có vỏ dày và cứng bao bọc, còn nếu cắn vỡ hạt na thì độc tố trong nhân hạt na rất dễ phát huy tác dụng, gây hại cho cơ thể.

Người đái tháo đường không ăn nhiều

Đối với người mắc đái tháo đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh đái tháo đường thai kỳ, thì không nên ăn nhiều na bởi trong na có hàm lượng đường tương đối cao. Nếu ăn thì nên ăn xa bữa ăn, không ăn ngay sau khi ăn bữa chính, không ăn vào buổi tối; chỉ nên ăn mỗi lần 1/2 quả, ăn không quá 1 quả/ngày.

Cảnh giác với giòi trong quả na

Với những quả na vỏ có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, ở các vết đó có dấu hiệu chảy nước thì tuyệt đối không nên ăn. Đặc biệt những quả na có mắt thâm đen, cứng, khi ăn cần cảnh giác vì sẽ không ngon, vị ủng hoặc đa số là có giòi.

Cách chọn na ngon

Bạn nên chọn quả tròn, mắt to, kẽ mắt trắng, cuống nhỏ, chín mềm không nứt, vỏ không đen.

Khi mua cần phân biệt na dai và na bở: Na dai thường ít hạt, múi na to, dễ bóc vỏ và múi cũng dai hơn. Còn na bở vỏ dầy và sần hơn, khi chín thường mềm, cần nhẹ tay, rất hợp khi cho trẻ ăn. Tuy nhiên, cần quan sát kỹ để tránh ăn phải giòi nằm trong các múi của quả na.

Thu Trang Sưu tầm