Menu
×

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ

Ngày đăng: 11/11/2017 In bài viết này

SKNT - Theo các bác sĩ Nhi khoa, thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm trong không khí tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Để phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo hơn.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào thời điểm Đông Xuân, nhiều trẻ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp. Bởi thời tiết trong thời gian này thường hanh khô, ban ngày nắng nóng, oi bức nhưng chiều tối thì lại lạnh, nhiệt độ giảm sâu về đêm.

Ngoài ra, có nhiều đợt gió mùa cùng rét buốt đổ về nên nhiều người sẽ không kịp thích nghi với thời tiết, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có hệ miễn dịch còn yếu. Nếu không cẩn thận, trẻ rất dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, đặc biệt là viêm phổi.

Đặc biệt, nhiều trường hợp do quá lo lắng cho con nên khi trẻ mới chớm sốt hoặc ho đã vội đưa con vào viện, khiến tình trạng nhiễm chéo ở trẻ gia tăng. Về vấn đề này, PGS Dũng cho hay, không phải trẻ nào bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng cần phải đến bệnh viện khám hay nhập viện. Nếu các bậc phụ huynh biết lưu ý một số vấn đề thì tỷ lệ trẻ mắc các bệnh đường hô hấp sẽ giảm đáng kể.

Cho trẻ mặc ấm vừa đủ

Để phòng bệnh tốt nhất trong thời tiết này là điều chỉnh cách ăn mặc để cơ thể thích nghi được với sự thay đổi thời tiết. Buổi sáng đi học có thể mặc ấm cho trẻ, nhưng nên mặc nhiều lớp áo, dễ cởi để khi đến trường trẻ nóng lên, chạy nhảy có thể dễ dàng cởi bỏ lớp áo bên ngoài.

Ở nhà, thấy trẻ dinh dính mồ hôi, nên mạnh dạn cởi bỏ áo ấm, mặc áo thu đông mỏng để trẻ không bị ra mồ hôi, thấm ngược vào cơ thể gây bệnh. Lau mồ hôi, thay áo khi áo ẩm do ngấm mồ hôi.

Về cách giữ ấm cơ thể cho trẻ, một số bộ phận cần phải giữ ấm là cổ và tai. Tuy nhiên, bộ phận quan trọng nhất đó chính là đường thở của trẻ, vì nó sẽ tiếp xúc trực tiếp với không khí, nhưng phụ huynh không thể bịt kín đường thở của trẻ. Chính vì thế, môi trường sạch sẽ, nhiệt độ và độ ẩm phù hợp là quan trọng nhất.

Hạn chế đưa trẻ đi chơi trời lạnh

Hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời khi thời tiết mưa lạnh. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần chú ý cho trẻ mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người sẽ gây hại cho trẻ.

Bênh cạnh đó, tránh dừng lại ở những nơi đông người quá lâu. Ở những nơi chật kín người, không khí lưu thông không tốt nên tăng nguy cơ lây bệnh. Tránh tiếp xúc đột ngột với lạnh. Khi đi từ trong nhà ra ngoài, hãy mở cửa từ từ để cơ thể thích nghi dần. Tuyệt đối không lao ngay ra ngoài vì dễ “sốc nhiệt”.

Vệ sinh cá nhân

Thời gian tắm cho trẻ nhỏ trong mùa lạnh không nên kéo dài quá 10 phút, không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Một tuần có thể tắm 2 - 3 lần, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo trẻ được lau rửa và thay quần áo sạch sẽ hàng ngày.

Trẻ em chỉ cần lau người, rửa chân tay mặt mũi sạch bằng nước ấm trong phòng kín gió, có thiết bị sưởi và ủ ấm ngay để không bị nhiễm lạnh. Nếu tắm gội cần dùng nước ấm.

Nên cho trẻ sử dụng dung dịch nhỏ mũi sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối hàng ngày.

Tăng cường dinh dưỡng

Để nâng cao sức đề kháng, chống lại tác nhân xấu gây hại đến sức khỏe của trẻ. Phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, bổ sung sắt, kẽm (trứng, sữa…) giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch.

Trước khi đi ngủ, hoặc sau khi ngủ dậy nên uống sữa ấm, hoặc mật ong để tốt cho đường hô hấp, và giữ cho thân nhiệt luôn ấm áp.

Tiêm chủng đầy đủ

Các bậc phụ huynh cũng cần tiêm chủng mở rộng lẫn tự nguyện (cúm, phế cầu...) để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh hô hấp nặng nề.

Không tự ý dùng thuốc cho trẻ

PGS Nguyễn Tiến Dũng đặc biệt lưu ý, khi điều trị bệnh viêm phổi hay các bệnh hô hấp khác, cha mẹ nên cân nhắc việc bổ sung cho trẻ các thuốc uống, các loại vitamin, men tiêu hóa, thuốc bổ khác theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự mua thuốc cho trẻ, đặc biệt là sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể làm cho bệnh của trẻ nặng hơn.

Việc tiêm kháng sinh phải được thực hiện ở bệnh viện và các cơ sở y tế có chuyên môn và đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ để sẵn sàng ứng phó với tình trạng dị ứng kháng sinh ở trẻ.

Bệnh viện Bạch Mai