Menu
×

Phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút

Ngày đăng: 29/08/2021 In bài viết này

Nhiều đại dịch do các bệnh truyền nhiễm gây ra trong lịch sử đã từng cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến những bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đó là các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh và các chủng vi rút mới hoặc vi rút biến đổi gen.

Để phòng tránh các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng do vi rút một cách hiệu quả, chúng ta cần hiểu biết về bệnh và luôn có thái độ cảnh giác, chủ động ứng phó và dự phòng trước nguy cơ các dịch bệnh có thể xảy ra.

1. Tìm hiểu bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng do vi rút

Viêm đường hô hấp cấp tính là một bệnh nhiễm trùng cấp tính của đường hô hấp, bao gồm đường hô hấp trên (mũi, xoang, hầu - họng, thanh quản) hoặc đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản, các phế nang).

Viêm đường hô hấp cấp tính là một căn bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của người bệnh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng.

Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng do vi rút chính là tình trạng viêm phổi do vi rút tiến triển nhanh chóng thành suy hô hấp (khó thở).

Nguyên nhân gây bệnh là do các chủng vi rút cúm (cúm A/H5N1, cúm A/H1N1,…), Coronavirus, Vi rút hợp bào hô hấp (RSV),… Đặc điểm chung của các chủng vi rút gây bệnh này là có độc lực mạnh nên gây tổn thương nặng đường hô hấp và chúng thường là các chủng vi rút mới hoặc chủng đột biến gen nên có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch của người bệnh và gây khó khăn cho việc làm các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên dẫn đến chậm trễ việc điều trị.

Ngoài ra, sự nguy hiểm của bệnh còn do khả năng lây lan nhanh của các chủng vi rút này. Một số chủng lây nhiễm từ động vật sang người, một số lây từ người sang người và có chủng lây cả từ động vật sang người và từ người sang người. Đường lây có thể trực tiếp khi tiếp xúc với động vật hoặc người mắc bệnh thông qua các giọt nhỏ bắn từ đường hô hấp, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch đờm dãi, chất thải của động vật và người mắc bệnh thải ra môi trường, các vật dụng (đồ chơi, tay nắm cửa, khăn lau, vật dụng cá nhân của người bệnh,…).

Các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng do vi rút thường khởi đầu bằng sốt (có thể sốt cao đột ngột), ho, đau họng, đau ngực, mệt mỏi,… sau đó tiến triển nhanh đến khó thở và suy hô hấp.

2. Phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng do vi rút

Các biện pháp phòng ngừa chung

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với bề mặt nhiễm bẩn, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng (đặc biệt là khi bàn tay chưa rửa sạch). Nếu không có sẵn nước và xà phòng thì dùng các dung dịch vệ sinh tay chứa cồn để vệ sinh tay;

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng giấy hoặc khăn để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó phải bỏ giấy bẩn vào thùng rác hoặc giặt sạch khăn ngay;

- Tăng cường thông khí nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa;

- Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa, đồ chơi và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn thông thường khác;

- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống đủ chất, sinh hoạt, thể dục thể thao và nghỉ ngơi hợp lý;

- Không giết mổ, ăn thịt các động vật bị bệnh, ốm chết. Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc cần rửa sạch tay ngay;

- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; không dùng chung đồ dùng với người bệnh;

- Khi có các biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời;

- Thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông và các nguồn thông tin chính thống, đặc biệt là các thông báo và khuyến cáo của Bộ Y tế.

Các biện pháp phòng ngừa khi có dịch xảy ra

- Hạn chế đi/đến các vùng đang có dịch bệnh, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch,…. Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân; lúc về phải khai tờ khai y tế khi nhập cảnh, theo dõi tình trạng sức khỏe của mình trong khoảng 2 - 3 tuần, cần đi khám và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh;

- Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến những nơi tập trung đông người;

- Người bị bệnh cần cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân đúng để hạn chế lây lan dịch bệnh;

- Người chăm sóc người bệnh cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ cá nhân (đeo khẩu trang, mũ, găng tay, quần áo,…) và rửa tay ngay sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh;

- Các cơ sở y tế và các cơ quan y tế phải thường xuyên cập nhật và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh để có biện pháp chủ động phòng ngừa.