Menu
×

Tìm hiểu về nhiễm khuẩn bệnh viện là nguyên nhân gây tử vong 4 trẻ sơ sinh tại Bắc Ninh

Ngày đăng: 21/11/2017 In bài viết này

SKNT - Liên quan đến vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong bất thường sáng 20/11 tại Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh, Chiều 21/11, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã chủ trì họp báo công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn. Hội đồng chuyên môn do bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, làm chủ tịch; PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - Phó chủ tịch, PGS. TS. Trần Danh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương – Phó chủ tịch và các thành viên khác.

Công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn bà Mai Hoa cho biết: “Bốn trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai trên các bà mẹ có tiền sử sản khoa bệnh lý, đã được xử lý sản khoa phù hợp. Các trẻ đều có tình trạng suy hô hấp sau sinh, được xử trí cấp cứu và điều trị tích cực. Các trẻ đều có tình trạng nhiễm khuẩn sau 3 đến 5 ngày điều trị, tiến triển đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Kết luận cho rằng trẻ không có đáp ứng với các biện pháp điều trị chống sốc tại bệnh viện. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện”. 

Họp báo công bố nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh

Theo bác sĩ Lê Thị Mỹ Hương  (Bệnh viện Quốc tế Phương Châu) “ Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh điều trị tại bệnh viện và nhiễm khuẩn này không hiện diện cũng như không nằm trong giai đoạn ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. NKBV thường xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện”.
Nhiễm khuẩn liên quan đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) không chỉ là chỉ số chất lượng chuyên môn, mà còn là chỉ số an toàn của người bệnh, chỉ số đánh giá sự tuân thủ về thực hành của nhân viên y tế (NVYT), chỉ số đánh giá hiệu lực của công tác quản lý và là một chỉ số rất nhạy cảm đối với người bệnh và xã hội.

Tại Việt Nam, đã có ba cuộc điều tra cắt ngang (point prevalence) mang tính khu vực do Vụ Điều trị Bộ Y tế (nay là Cục Quản lý khám chữa bệnh) đã được thực hiện. Điều tra năm 1998 trên 901 người bệnh trong 12 bệnh viện toàn quốc cho thấy tỉ lệ NKBV là 11.5%; trong đó nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 51% trong tổng số các NKBV. Điều tra năm 2001 xác định tỉ lệ NKBV là 6.8% trong 11 bệnh viện và viêm phổi bệnh viện là nguyên nhân thường gặp nhất (41.8%). Điều tra năm 2005 tỉ lệ NKBV trong 19 bệnh viện toàn quốc cho thấy là 5.7% và viêm phổi bệnh viện cũng là nguyên nhân thường gặp nhất (55.4%).
Nhiễm khuẩn bệnh viện dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người bệnh và cho hệ thống y tế như: tăng biến chứng và tử vong cho người bệnh; kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 7 đến 15 ngày; tăng sử dụng kháng sinh dẫn đến tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật và tăng chi phí điều trị cho một NKBV thường gấp 2 đến 4 lần so với những trường hợp không NKBV. Tại Hoa Kỳ, hàng năm ước tính có 2 triệu người bệnh bị NKBV, làm tốn thêm 4,5 tỉ dollar viện phí. Ở Việt Nam chưa có những nghiên cứu quốc gia đánh giá chi phí của NKBV, một nghiên cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy NKBV làm kéo dài thời gian nằm viện 15 ngày với chi phí trung bình mỗi ngày là 192,000 VND và ước tính chi phí phát sinh do NKBV vào khoảng 2,880,000 VND/ người bệnh.

Nhiễm khuẩn bệnh viện dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người bệnh và cho hệ thống y tế

Tác nhân gây NKBV đã có nhiều thay đổi trong vài thập kỷ qua. Các vi khuẩn gây bệnh có thể là các vi khuẩn gram dương và các trực khuẩn Gram (-), nấm, và ký sinh trùng. Tuy nhiên, NKBV do trực khuẩn Gram (-) đa kháng thuốc kháng sinh đã và đang trở thành một tai hoạ thực sự cho các bệnh viện. Tốc độ kháng kháng sinh của các vi khuẩn này với các nhóm kháng sinh carbapenems và aminoglycoside cũng tăng nhanh và lan rộng khắp các châu lục, trong đó có Việt Nam. Song song với sự phát triển đó là tần xuất mắc và tử vong của bệnh cảnh lâm sàng nặng do vi khuẩn đa kháng ngày càng tăng cao. Do vậy, sử dụng kháng sinh hợp lý trong cơ sở khám chữa bệnh là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tính nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn. Khi sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm tăng chủng kháng thuốc do có sự phối hợp chọn lọc tự nhiên và thay đổi các thành phần gen kháng thuốc của vi khuẩn. Kháng kháng sinh xuất phát điểm từ các cơ sở y tế, sau đó lan rộng ra cộng đồng và vi khuẩn kháng thuốc trở thành căn nguyên của khoảng 70% các nhiễm khuẩn bệnh viện. Tỷ lệ mắc và tử vong do NKBV có liên quan đến vi khuẩn kháng thuốc đã làm tăng đáng kể các loại chi phí.
Các nhiễm khuẩn thường gặp ở bệnh viện: Viêm phổi bệnh viện là nhiễm khuẩn thường gặp trong NKBV và tỷ lệ mắc từ 15% đến 20% tổng số NKBV. Nhiễm khuẩn vết bỏng, Nhiễm khuẩn vết mổNhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra, còn một số nhiễm khuẩn như: nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn dạ dày - ruột, viêm xoang, nhiễm khuẩn mắt và kế mạc, viêm màng nội mạc tử cung, …

Thu Trang (T/H)