Menu
×

Tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành Sức khỏe

Ngày đăng: 01/11/2017 In bài viết này

SKNT - Ngày 31/10/2017, tại Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo phổ biến Nghị định số 111/2017/NĐ-CP, ngày 05/10/2017 của Chính phủ quy định tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành Sức khỏe

Tham dự hội thảo có GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế; các trường đại học, cơ sở khám chữa bệnh.

GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế: Đổi mới đào tạo là khâu quan trọng cho phát triển đào tạo nhân lực Ngành Y tế nói chung, trong đó có đào tạo khối ngành sức khỏe, nhằm cung cấp nguồn lực y tế có chất lượng cao phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành; yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe.

Nguyên tắc trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe là bảo đảm sự an toàn, tôn trọng và giữ bí mật thông tin cho người sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở thực hành; lấy người học thực hành làm trung tâm, được đào tạo để đạt các phẩm chất, năng lực đã được xác định trong chương trình đào tạo thực hành theo chuẩn năng lực nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong xây dựng chương trình, kế hoạch, hợp đồng, tổ chức đào tạo thực hành, lượng giá và đánh giá kết quả thực hành; bảo đảm sự thống nhất, tương đồng về quyền và trách nhiệm giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong tổ chức đào tạo thực hành.

Nghị định quy định rõ đối với người dạy thực hành gồm: có văn bằng, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn tối thiểu 12 tháng liên tục đến thời điểm giảng dạy thực hành phù hợp với trình độ, ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành; trình độ của người giảng dạy thực hành không được thấp hơn trình độ đang được đào tạo của người học thực hành; có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn hành nghề phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo thực hành trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ hành nghề.

Toàn cảnh hội nghị

Có 4 yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh:

1-  Đáp ứng các yêu cầu chung đối với người giảng dạy thực hành nêu trên.

2- Đã có đủ thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi có chứng chỉ hành nghề liên tục ở ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành đến thời điểm giảng dạy thực hành ít nhất là 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học, 24 tháng đối với đào tạo trình độ đại học và 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp.

3- Tại cùng một thời điểm, một người giảng dạy thực hành chỉ được giảng dạy không quá 5 người học thực hành đối với đào tạo trình độ sau đại học, không quá 10 người học thực hành đối với đào tạo trình độ đại học, không quá 15 người học thực hành đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

4- Đã được bồi dưỡng phương pháp dạy - học lâm sàng theo quy định của Bộ Y tế, trừ trường hợp người giảng dạy thực hành đã có chứng chỉ phương pháp dạy - học mà trong chương trình đào tạo đã có nội dung về phương pháp dạy - học lâm sàng.

Ngoài yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành, Nghị định cũng quy định yêu cầu đối với cơ sở thực hành, trong đó, yêu cầu chung đối với cơ sở thực hành gồm: Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với chương trình đào tạo thực hành; có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hành theo yêu cầu của chương trình đào tạo thực hành; có người giảng dạy thực hành đáp ứng các yêu cầu chung đối với người giảng dạy thực hành nêu trên và có đủ thời gian hoạt động chuyên môn liên tục ở ngành/chuyên ngành hướng dẫn thực hành ít nhất là 12 tháng.

Nguồn BYT