Menu
×

Vẫn còn 20% người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện

Ngày đăng: 06/04/2018 In bài viết này

SKNT - Vẫn còn 20% người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây cũng là những đối tượng có nguy cơ khiến bệnh lao tiếp tục lây lan ra cộng đồng, ảnh hưởng tới mục tiêu chỉ còn 20 người mắc bệnh lao/100.000 dân vào năm 2030

Bác sỹ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân lao. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Đó là nhận định của bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 6/4.

Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, trong hai năm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao, mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 16.500 người mắc lao mới.

Tuy nhiên, con số này chỉ ước đạt 80% thực tế số người mắc lao trong cộng đồng. Do vậy, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, vấn đề là phải làm sao tiếp cận và phát hiện được 20% số người mắc này.

 

Các quận, huyện cần thay đổi cách làm, chủ động hơn nữa trong việc đến từng nhà người dân để xét nghiệm, phát hiện lao.

Đồng thời, các quận huyện cần tăng cường phối hợp công-tư trong việc điều trị bệnh lao, nhất là việc hỗ trợ các phòng khám đa khoa, phòng mạch tư nhân phương tiện điều trị bệnh lao để họ có thể điều trị cho bệnh nhân một cách “tới nơi tới chốn,” hạn chế tình trạng bỏ trị, gây tình trạng lao kháng thuốc.

Báo cáo về tình hình phòng chống bệnh lao hai năm (2016-2017) tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hữu Lân, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho hay, Dự án ZTV (Dự án “hướng đến Việt Nam không còn bệnh lao”) đang được thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh; qua đó công tác phát hiện bệnh lao trong cộng đồng được tăng cường bằng nhiều biện pháp như lồng ghép mạng lưới xã hội, tầm soát đối với người tiếp xúc với người mắc lao, sàng lọc người nguy cơ…

Đặc biệt, việc trang bị các thiết bị chẩn đoán, phát hiện hiện đại, trong đó có 14 máy Gene X-Pert đã rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh từ vài ngày xuống còn vài giờ, phát hiện ngay lao đa kháng thuốc, giúp sớm khởi đầu điều trị lao và lao kháng đa thuốc.

Ông Nguyễn Hữu Lân cũng cho rằng, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và công tác dự phòng, điều trị bệnh lao vẫn còn hạn chế.

Thực tế, dù ảnh hưởng đến sức khỏe người dân lớn hơn nhưng Chương trình phòng chống lao lại được tài trợ ít hơn so với các chương trình khác như Chương trình phòng chống HIV/AIDS và Chương trình phòng chống sốt rét.

Do đó, ông Nguyễn Hữu Lân đề xuất, cần có hành động phối hợp hơn nữa giữa Chính phủ và các nhà tài trợ để đầu tư thêm cho công tác phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao; đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chương trình phòng chống lao và Chương trình phòng chống HIV/AIDS./.

Theo baomoi.vn