Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Cứ mỗi mùa thi đến, không ít bạn học sinh, sinh viên lại gặp phải những vấn đề về sức khỏe. Trong đó, tỉ lệ học sinh, sinh viên đến khám tại các phòng khám chuyên khoa tâm thần tăng lên nhiều và phần lớn có liên quan đến căng thẳng, stress do áp lực thi cử. Bên cạnh đó còn kèm theo các bệnh lý cơ thể do thời tiết nóng nực, chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không hợp lý, cơ thể suy yếu, mệt mỏi...
Những kỳ thi quan trọng: Một vấn đề lớn thường gặp vào thời điểm mùa thi mà rất nhiều bạn học sinh gặp phải đó là có quá nhiều kỳ thi quan trọng, như thi tốt nghiệp cấp ba đồng thời là kỳ thi để chọn lựa vào trường đại học; kỳ thi vào các trường chuyên lớp chọn; kỳ thi học sinh giỏi với mong muốn đạt giải cao và các kỳ thi tốt nghiệp đại học hay bảo vệ luận án tốt nghiệp… Vào những thời điểm này các bạn thường học nhiều và rất nhiều, có những bạn thức cả đêm để học, vận dụng tất cả những biện pháp làm cho mình phải thật sự tỉnh táo...
Hoàn thiện hồ sơ: Ngoài việc học hành để sẵn sàng cho một kỳ thi sắp đến, các bạn còn cần làm rất nhiều thủ tục về giấy tờ, hoàn thiện hồ sơ trong việc chọn lựa trường học, chọn lựa nguyện vọng nào cho phù hợp với khả năng, nguyện vọng, sở thích của mình, và phù hợp với nguyện vọng gia đình nữa bởi đôi khi không có sự thống nhất giữa con cái với bố mẹ cũng là một vấn đề gây ra stress… Đặc biệt còn rất phức tạp, nhất là với những học sinh hay gia đình chưa có kinh nghiệm ở các vùng xa, thiếu thông tin, phương tiện. Khi lựa chọn trường để nộp hồ sơ cần cân nhắc kỹ, lựa chọn đúng nguyện vọng và năng lực của mình. Các bạn cần trao đổi với bố mẹ để đưa ra được những quyết định đúng nhất. Có nhiều trường hợp bố mẹ áp đặt quan điểm hay chọn lựa của mình cho con mà không quan tâm đến mong muốn nguyện vọng của con dẫn đến con chán nản và không muốn học, bỏ học, thậm chí con bị trầm cảm….
Áp lực mùa thi dễ khiến trẻ căng thẳng, stress...
Chạy sô học thêm: Trong mùa thi, đặc biệt là thời điểm “nước rút” khi ngày thi gần kề, nhiều sĩ tử đi học thêm rất nhiều, chạy sô giữa nhiều ca học khác nhau, thậm chí là cả ngày đi học thêm. Điều này hoàn toàn không khoa học và không đạt được hiệu quả mà đôi khi còn đem kết quả ngược lại. Cơ thể cần phải nghỉ ngơi để hồi phục lại sức khỏe mà chúng ta đã tiêu hao trong quá trình làm việc một ngày, đặc biệt là các tế bào thần kinh ở não. Khi làm việc trong tâm trạng thoải mái, công việc sẽ đạt hiệu quả cao và tốn ít sức lực, vì vậy hãy nghỉ ngơi khi mệt mỏi, không nên cố làm tốn thời gian và kém hiệu quả.
Sử dụng chất kích thích: Việc dùng các chất kích thích như trà, cà phê, chất kích thích tâm thần… có thể chỉ làm các bạn tỉnh táo và làm việc được ngay lúc đó nhưng sẽ gây mệt mỏi, cơ thể càng suy kiệt về sau. Đó là chưa kể việc dùng những chất kích thích tâm thần dạng amphetamine để làm hưng phấn thần kinh có thể gây ra các chứng loạn thần, mất ngủ, sau đó là trầm cảm, lo âu... Học là một quá trình. Mỗi ngày chúng ta học và tìm hiểu một vấn đề, tích lũy dần kiến thức chứ không phải lúc thi chúng ta mới học như là nhồi nhét kiến thức thì bộ não sẽ không thể tiếp thu được và sẽ càng thêm lo lắng, bấn loạn. Học là một cuộc chạy đua đường dài cần phải dai sức và trong tất cả các phương pháp học thì tự học vẫn là tốt nhất.
Bệnh do ăn uống: Việc uống nước đá hay những đồ uống quá lạnh sẽ không tốt cho sức khỏe, có thể dẫn đến viêm họng, nhất là vào thời tiết mùa hè nóng nực. Ăn ở các hàng quán hay những thức ăn trên đường phố không đảm bảo vệ sinh dẫn đến các bệnh lý rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, nhất là vào những ngày đi thi. Làm việc đi lại quá nhiều kèm theo ăn ngủ không đảm bảo sẽ dẫn đến suy kiệt, vì vậy càng đến gần ngày thi sĩ tử càng cần phải thư giãn, thoải mái.
Bệnh do tinh thần: Những bệnh lý thường gặp nhất trong mùa thi là những vấn đề về sức khỏe tâm thần với các chứng bệnh lo âu, trầm cảm, rối loạn phân ly, loạn thần. Những bệnh này tăng lên vào thời điểm diễn ra mùa thi với nhiều biểu hiện như bồn chồn, đau, khó đi vào giấc ngủ, ngủ hay tỉnh giấc, hay gặp ác mộng, ngủ dậy cảm thấy mệt mỏi, ngủ ít thậm chí có trường hợp thức trắng đêm. Có nhiều trường hợp có biểu hiện buồn chán bi quan, không muốn tiếp xúc với mọi người, ngồi một chỗ, không ăn uống, học không được, bỏ học, thậm chí có những ý tưởng hành vi tự hủy hoại bản thân hay tự sát. Nhiều trường hợp do stress quá căng thẳng dẫn đến một chứng rối loạn phân ly với biểu hiện co giật, ngất, khó thở, buồn nôn, nôn…
Chế độ sinh hoạt: Chế độ sinh hoạt ăn ngủ của các bạn học sinh trong thời điểm mùa thi cũng là một vấn đề cần phải quan tâm. Các bạn cần phải có một thói quen sinh hoạt khoa học hợp lý, rèn luyện hàng ngày để thành nếp duy trì liên tục kể cả lúc mùa cao điểm học ôn thi. Ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa, ngủ đủ 8 giờ một ngày, không thức khuya, không dùng các chất kích thích chè, cà phê, hút thuốc lá, chất kích thích khác.
Tập luyện: Việc tập luyện tham gia các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động tập thể cũng có vai trò quan trọng để nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Tập luyện các môn bóng rổ, cầu lông, đá bóng... giúp cơ thể khỏe mạnh, học tập sẽ tốt hơn và thông qua các hoạt động đó các bạn sẽ gắn kết với nhau, có tính tập thể, đoàn kết hơn.
Tâm lý: Khi đến mùa thi, cần tạo cho học sinh sự thoải mái tinh thần, có một sức khỏe tốt thì càng giảm được nguy cơ mắc những vấn đề về sức khỏe. Mỗi bạn học sinh cần có một phương pháp làm việc khoa học cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, cha mẹ sẽ là những hỗ trợ tốt nhất cho học sinh.
Các bạn cần dành thời gian học tập và thư giãn hợp lý, tránh tình trạng trong những năm học đầu tiên chỉ chơi, mải mê vào các trò chơi điện tử, đến lúc thi mới tập trung vào học. Thầy cô cần là những người gần gũi với học trò của mình, quan tâm chia sẻ với học sinh khi các con gặp những khó khăn. Các bạn bè trong lớp nên quan tâm đến nhau, trao đổi thông tin đoàn kết giúp đỡ trong học tập cũng như những hoạt động ngoại khóa ở trường tạo sự gắn kết giữa bạn bè, thầy cô, trường lớp sẽ là một yếu tố quan trọng giúp các bạn học sinh vượt qua những khó khăn. Một vai trò không thể thiếu đó là bố mẹ. Bố mẹ cần biết con của mình đang nghĩ gì, con có khó khăn gì để chia sẻ với chúng. Sự gắn kết giữa phụ huynh với giáo viên, nhà trường là quan trọng để giải quyết những sự cố có thể xảy ra mà đôi khi không biết có thể gây hậu quả nghiêm trọng bởi các em còn rất non nớt trong suy nghĩ của mình đôi khi còn rất dễ bị tổn thương.
Hệ thống cán bộ tâm lý cũng rất cần thiết trong các hệ thống trường học. Những vấn đề tâm lý của học sinh gặp phải cần phát hiện và xử lý kịp thời ở các mức độ như tư vấn của các cán bộ tâm lý ở trường, mức độ cao hơn là cần phải gặp các chuyên gia tâm lý để trị liệu, hay cần đưa học sinh đến khám tại các cơ sở chuyên về sức khoẻ tâm thần. Chúng ta cũng không nên bỏ qua việc dạy cho các bạn học sinh những kỹ năng sống cần thiết như cần phải làm gì khi mình gặp thất bại trong thi cử hay những vấn đề về tình bạn, tình yêu tuổi học trò, những vấn đề tâm lý nhóm ở lứa tuổi học sinh, bạo lực học đường...
BS. Trịnh Thị Bích Huyền