Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP HCM ngày 15/12 công bố các thu thập dữ liệu về tình hình nhiễm giang mai ở những nhóm nguy cơ cao tại Việt Nam. Bệnh giang mai chiếm khoảng 2-3% trong số gần 200.000 ca nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục tại Việt Nam. Sự gia tăng giang mai có thể làm trầm trọng thêm tình hình dịch HIV vì nhiễm giang mai làm tăng nguy cơ lây truyền HIV.
Tỷ lệ nhiễm giang mai ở phụ nữ mại dâm rất cao trong những năm 90 và đầu những năm 2000, với 17% ở Hà Nội và 40% ở TP HCM, Cần Thơ, An Giang. Số người mắc bệnh có xu hướng tăng trở lại trong giai đoạn 2010-2016, từ 1% lên 2,1%. Giai đoạn này cũng ghi nhận gia tăng tỷ lệ nhiễm ở nam quan hệ tình dục đồng giới tại khu vực phía Nam và sự quay lại của giang mai bẩm sinh ở TP HCM.
Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, tổng cộng 11.028 trường hợp giang mai ở người lớn được ghi nhận trong giai đoạn 2010-2016. Số trường hợp giang mai mới phát hiện ở người lớn đã tăng gần 3,5 lần từ 767 ở năm 2010 ca lên 2.736 ca ở năm 2016.
Xoắn khuẩn giang mai. Ảnh: scienceartwork
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Hàng năm thế giới có hàng triệu ca mắc mới giang mai. Phụ nữ mại dâm, khách làng chơi, nam quan hệ tình dục đồng giới và người tiêm chích ma túy là những đối tượng dễ mắc giang mai do các hành vi tình dục không an toàn. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hiện nhiễm giang mai trung bình là 2,3% ở phụ nữ mại dâm và 5,3% ở nam quan hệ tình dục đồng giới.
Giang mai có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên nếu không chẩn đoán đúng cách và chữa trị sớm, có thể gây biến chứng cho tim, não, động mạch chủ, xương, một số trường hợp dẫn đến tử vong. Khi thấy vết loét nào ở bộ phận sinh dục hay bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc tình dục không an toàn cần phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đầy đủ.
Các chuyên gia khuyến nghị cần tăng cường tiếp cận chương trình bao cao su nhằm ngăn ngừa sự bùng nổ dịch giang mai và tái lan truyền HIV ở các quần thể nguy cơ cao. Tăng cường giám sát, sớm phát hiện bệnh theo mô hình dự phòng ba tác nhân gồm HIV, giang mai và viêm gan siêu vi. Triển khai điều trị kịp thời giang mai trong thai kỳ để cắt đứt đường lây truyền giang mai cũng như HIV, viêm gan siêu vi từ mẹ sang con.
T.Linh