Menu
×

Chàm sữa ở trẻ - dấu hiệu và cách nhận biết

Ngày đăng: 01/12/2017 In bài viết này

SKNT - Chàm sữa (lác sữa) là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và những bé dưới 1 tuổi. Bệnh có liên quan đến sự phối hợp của hai yếu tố: cơ địa dị ứng và chất gây dị ứng.

Các chất gây dị ứng có thể được tạo ra từ những thay đổi trong quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể; hoặc có nguồn từ bên ngoài như mạt, ve, bọ chét, nấm mốc, bụi... thường có trong chăn, gối, nệm, khăn trải giường, thảm. Ngoài ra, lông chó, lông mèo, gián cũng có thể gây dị ứng... Bệnh cũng có liên quan đến những rối loạn về tiêu hóa, thức ăn (sữa, trứng...), cách cho bú, nhiễm trùng...Cần xác định rõ nguyên nhân gây ra chàm sữa cho trẻ thì khi đó chúng ta sẽ có phương pháp chữa hợp lý nhất cho trẻ.

Biểu hiện ban đầu là một vùng da nào đó của trẻ xuất hiện những mảng hồng ban, có mụn nước, đóng mài và tróc vảy. Vị trí thường ở mặt, hai bên má, đối xứng, có thể lan ra da đầu, thân mình, tứ chi... Bệnh rất hay ngứa làm trẻ khó chịu, ngủ không ngon giấc, quấy khóc, bú kém. Nhiều trẻ chịu không nổi gãi liên tục hoặc chà đầu, cọ mặt vào gối cho đỡ ngứa làm mụn nước vỡ ra, da rớm máu, có khi cả một vùng da bị chảy máu. Lúc này nếu không giữ vệ sinh tốt, da rất dễ nhiễm trùng khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đồng thời sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ sau này. Những vết chàm vỡ không bị nhiễm trùng sẽ để lại vảy kết trên mặt da. Càng gãi da càng dày.

Ảnh minh họa

Giai đoạn trẻ dễ bị chàm sữa nhất đó là lúc thời tiết trở lạnh. Nguyên nhân bởi vì do con chưa quen với thời tiết lạnh, mẹ chủ quan không chăm sóc da kỹ cho con, hay cho con ăn những món dễ gây dị ứng, sử dụng nhiều xà phòng, sữa tắm gây khô da. Những dấu hiệu để biết con bị chàm sữa như: Sờ tay thấy da khô ráp, có thể xuất hiện mụn nước li ti; Ngứa, đỏ (gần giống với nẻ); Xuất hiện chủ yếu ở vùng má mặt, ngoài ra còn có ở nếp gấp cổ, khuỷu tay, sau đầu gối và mu bàn tay, cổ tay, mắt cá chân.

Chàm sữa thường xuyên tái phát, đặc biệt khi trời chuyển lạnh. Nên với các bé mùa đông trước đã bị mẹ càng nên lưu ý và chăm sóc kỹ hơn.

Nếu con bạn bị chàm sữa bạn nên xử lý như thế nào? Đó cũng là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh đặt ra. Trước hết cần có biện pháp làm giảm triệu chứng của bệnh đó là việc dưỡng ẩm kiên trì để làn da không bị khô, châm chích và ngứa, làm giảm khó chịu cho trẻ. Khi phương pháp đó không hiệu quả thì các mẹ nên đưa con mình đến bác sỹ để có cách tư vấn kịp thời.

Đặc biệt cần lưu ý là phụ huynh không nên tự mua thuốc bôi cho bé. Tuyệt đối không dùng các mẹo dân gian như đắp lá điều đó có thể khiến bệnh của bé nặng thêm. Bên cạnh đó, không dùng các loại thuốc chứa corticoid trừ khi tình trạng của bé quá nặng và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Khi bé bị chàm sữa mẹ cần làm những điều sau để bé cảm thấy dễ chịu:

Vệ sinh và tắm rửa

- Cắt móng tay cho bé thường xuyên để tránh cào xước da khi bé gãi.

- Tránh tắm cho bé trong bồn tắm hay vòi hoa sen qua lâu (5 đến 10 phút) trong nước ấm không được quá nóng (36 độ C)

- Sử dụng các sản phẩm tẩy rửa không chứa xà phòng và không hương liệu, tránh dùng găng khi tắm cho bé.

- Làm ẩm da bé sau khi tắm bằng một loại kem dưỡng ẩm da thích hợp.

Không gian xung quanh bé

- Làm ẩm phòng của bé với máy phun sương (nếu có thể)

- Quét dọn phòng bé thường xuyên để tránh bụi và vụn vải (vải trải thảm, vải lông…) vì điều này có thể là nguyên nhân gây nên chàm sữa hoặc làm tình trạng chàm sữa trở nên nặng hơn.

- Hạn chế tối đa trẻ tiếp xúc với động vật vì lông động vật là tác nhân gây hại với chàm sữa.

Quần áo của bé

- Hãy sử dụng quấn áo lót bằng chất liệu cotton 100%, tránh dùng len và các vật liệu tổng hợp tiếp xúc trực tiếp trên da của bé.

- Sử dụng chất giặt tẩy thích hợp và tránh sử dụng chất làm mềm vải

Thực phẩm của bé

- Nên duy trì sữa mẹ trong thời gian lâu nhất có thể.

- Chỉ đa dạng các loại thức ăn cho bé từ 6 tháng trở đi.

- Trì hoãn cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng và một vài loại cá. Khi cho bé ăn dặm với 1 món mới, chỉ nên cho ăn 1 bữa để theo dõi bé phải ứng với món mới đó như thế nào, bé có bị dị ứng hay không.

- Khi trẻ còn bú mẹ, bạn nên ăn cá biển để tăng chất ARA, chất này giúp bé chống lại dị ứng. Bạn cũng hạn chế tối đa ăn trứng (và trứng cá), mỡ động vật, nội tạng động vật, trứng vịt lộn… để tránh gây dị ứng cho bé qua đường sữa.

Thiên Lý (T/H)