Menu
×

Phun thuốc diệt muỗi liệu đã là giải pháp tối ưu?

Ngày đăng: 26/07/2017 In bài viết này

SKNT - Trong những ngày qua, thông tin về dịch sốt xuất huyết (SXH) đang lan rộng trên các trang mạng xã hội. không riêng gì những gia đình có trẻ nhỏ mà cả lứa tuổi thanh niên đều có nguy cơ nhiễm bệnh này.

Phỏng vấn chị Thuý Hà ( Phố Vọng – Hà Nội) có con bị sốt xuất huyết, chị cho biết: Con gái chị phát hiện ra triệu chứng là sốt cao liên tục (39 – 40 độ), xuất hiện nhiều vân tím ở dưới da vào viện bác sỹ chẩn đoán là bị sốt xuất huyết. Không riêng gì gia đình chị mà các hộ dân sống xung quanh đều có người bị sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là vấn đề cấp bách?

Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp nhập viện tăng 9,7% so với năm 2016) và có 18 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc chủ yếu tập trung ở miền Nam (64,4%) và miền Trung (19,9%) so với tổng số trường hợp mắc bệnh của cả nước do đây là khu vực bệnh lưu hành trong nhiều năm qua. Khu vực miền Bắc có tỷ lệ mắc thấp hơn (12,4%) tuy nhiên gần đây có gia tăng số trường hợp mắc tại Hà Nội (số mắc tuyệt đối ở Hà Nội đứng thứ 3 cả nước, số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19). Muỗi lây bệnh SXH là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa....

Phun thuốc diệt muỗi chỉ có tính nhất thời?

          PGS.TS Trần Như Dương, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chia sẻ: “Phun thuốc muỗi phòng chống dịch là quan trọng nhưng chỉ có tính nhất thời. Cái gốc vấn đề và lâu dài là phải diệt loăng quăng, bọ gậy thường xuyên, liên tục tại từng gia đình là quan trọng nhất. Vì thế, chúng tôi phát động các gia đình phải thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy ngay tại nơi mình sinh sống, như thế việc phòng chống dịch mới mang tính triệt để”. Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng đang tăng lên hàng năm trong dân cư, chủ yếu là các bể chứa không có nắp, các lọa xô, thùng, chậu, chậu hoa cảnh, phế liệu, lốp xe hỏng…Những vật dụng này có chứa nước đọng lại chính là môi trường tốt cho sự sinh trưởng của muỗi.

          Nếu chỉ một hộ gia đình phun thuốc, có ý thức diệt loăng quăng, bọ gậy nhưng xóm ngõ vẫn để nhiều phế thải đọng nước mưa, các hộ gia đình khác không có ý thức phòng bệnh thì đàn muỗi mang mầm bệnh vẫn bay từ nhà này qua nhà khác và truyền bệnh.

Thiên Lý