Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Khi nào bạn được cho là ngủ không đủ giấc?
Thiếu ngủ là khi một cá nhân được ngủ ít hơn cần thiết để cảm thấy tỉnh táo và nhanh nhẹn. Người lớn tuổi dường như có khả năng ít chịu ảnh hưởng của thiếu ngủ, trong khi những người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em và người lớn trẻ tuổi, dễ bị tổn thương hơn. Do đó, đánh giá tình trạng thiếu ngủ còn phụ thuộc vào từng cá nhân, lứa tuổi. Theo nghiên cứu, mỗi lứa tuổi đòi hỏi thời gian ngủ đủ khác nhau:
Trẻ sơ sinh (0-3 tháng): 14-17 giờ mỗi ngày
Trẻ sơ sinh (4-11 tháng): 12-15 giờ
Trẻ em (1-2 tuổi): 11-14 giờ
Trẻ mẫu giáo (3-5): 10-13 giờ
Các em học sinh trong độ tuổi (6-13): 9-11 giờ
Thiếu niên (14-17): 8-10 giờ
Người lớn (18-64): 7-9 giờ
Người lớn tuổi (65 tuổi): 7-8 giờ.
Nguyên nhân của chứng thiếu ngủ
Một số người cho rằng giấc ngủ như là sự lãng phí thời gian và cố ý ngủ ít để theo đuổi những thứ khác như giải trí, học tập hay theo kiếm tiền. Thiếu ngủ có chủ ý này thường gặp ở người trẻ tuổi (vị thành niên, thanh niên).Những người khác có thể vô tình ngủ không đủ vì làm việc theo ca, nghĩa vụ gia đình hoặc công việc đòi hỏi. Khi bạn thường xuyên đi ngủ muộn, thức dậy sớm để đi làm, có thể sẽ tích tụ dần tình trạng thiếu ngủ.
Ngoài ra, người bị thiếu ngủ còn có những người mắc các vấn đề về y tế như trầm cảm, tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, mất cân bằng nội tiết tố và các bệnh mãn tính khác.
Thiếu ngủ kéo dài dễ dẫn đến các suy nghĩ tiêu cực và trầm cảm
Hậu quả của thiếu ngủ kéo dài
Những người thường có giấc ngủ bị gián đoạn gặp khó khăn trong việc chuyển hướng sự tập trung của mình khỏi những thông tin tiêu cực. Điều này đồng nghĩa một giấc ngủ không đủ giờ có thể dẫn đến những suy nghĩ bi quan, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.
Việc ngủ đủ giấc không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn giúp con người có được một tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Do đó, một giấc ngủ đêm không đủ 8 tiếng đồng hồ có thể khiến tinh thần mệt mỏi cũng như gây tâm trạng chán chường, lo lắng.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí ScienceDirect ngày 6-1, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Binghamton, bang New York (Niu Y-oóc), đã so sánh thời gian và độ dài giấc ngủ ở các cá nhân có những suy nghĩ tiêu cực, như lo lắng và hay suy nghĩ, ở mức độ trung bình hoặc cao.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người thường có giấc ngủ bị gián đoạn gặp khó khăn trong việc chuyển hướng sự tập trung của mình khỏi những thông tin tiêu cực. Điều này đồng nghĩa một giấc ngủ không đủ giờ có thể dẫn đến những suy nghĩ bi quan, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Những suy nghĩ tiêu cực có thể khiến con người dễ mắc các chứng rối loạn tâm lý, như lo lắng hay chán nản, suy sụp tinh thần.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tích cực xem xét về mối liên hệ giữa sự gián đoạn trong giấc ngủ và những tác động đối với các quá trình cơ bản giúp con người vượt qua những suy nghĩ bi quan. Họ hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp tìm ra một giải pháp giúp những bệnh nhân thường xuyên có giấc ngủ kém chất lượng có thể giải tỏa được những lo lắng và tâm trạng mệt mỏi.
Làm sao để phòng ngừa thiếu ngủ?
Có một thông tin tốt lành là hầu hết những tác động tiêu cực của thiếu ngủ sẽ triệt tiêu khi bạn ngủ đủ giấc trở lại. Hãy tham khảo một số gợi ý sau cho việc tạo thói quen ngủ tốt bao gồm:
Đi ngủ ngay khi mệt mỏi
Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định, phù hợp mỗi ngày trong tuần
Tránh bữa ăn 2-3 giờ trước khi đi ngủ
Nếu không thể ngủ được sau 20 phút cố gắng, hãy đi sang phòng khác và đọc sách cho đến khi cảm thấy buồn ngủ, sau đó quay trở lại giường.
Duy trì tập thể dục thường xuyên hàng ngày.
Giữ phòng ngủ yên tĩnh, tối và nhiệt độ thích hợp.
Tắt các thiết bị điện tử khi bạn đi ngủ. Một nghiên cứu mới cho thấy những người ham mê điện thoại thông minh, thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng xã hội bị rối loạn giấc ngủ cao hơn, cũng thiếu ngủ nhiều hơn.
Khi thiếu ngủ, bạn cần trả nợ cho giấc ngủ bị thiếu. Bạn sẽ biết bạn đã trả nợ đủ giấc ngủ của bạn khi bạn thức dậy với cảm giác sảng khoái và không cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.
Nếu tình trạng thiếu ngủ diễn ra và các triệu chứng tiêu cực tồn tại bất chấp thực hành các biện pháp duy trì giấc ngủ , cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của bạn. Đừng hy sinh giác ngủ của bạn vì đó chính là hy sinh sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Theo Bệnh viện Trưng Vương