Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
PGS.TS Trần Đình Toán - Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Lâm Sàng
I.Vai trò và chức năng sinh lý của thận trong cơ thể.
Trong cơ thể chúng ta,bình thường ai cũng có hai quả thận,mỗi quả có trọng lượng từ 120 -150g với hơn 1triệu đơn vị chức năng gọi là Nephron.Thận là cơ quan đảm nhận cả vai trò nội tiết và ngoại tiết quan trọng của cơ thể, bao gồm:
1. Điều hòa cân bằng nước, các chất điện giải,cân bằng toan kiềm duy trì sự hằng định của nội môi
2. Đào thải các sản phẩm giáng hóa, đặc biệt là nitơ phi protein (ure,creatinin,acid uric..)
3. Điều chỉnh huyết áp động mạch thông qua điều hòa cân bằng nước, muối (thông qua sản xuất prostaglandin và renin)
4. Điều hòa tạo huyết thông qua sản xuất erythropoietin kích thích tủy sản sinh hồng cầu.
5. Điều chỉnh cân bằng phosphor-canxi thông qua sản xuất dihydrocalcipherol (1.25(OH)2D3) – để tăng hấp thu canxi ở ruột).
Các nhiệm vụ trên được thưc hiện thông qua chức năng lọc máu ở cầu thận,cô đặc và pha loãng nước tiểu ở ống thận, kẽ thận, sản xuất một số chất ở nhu mô thận và bài xuất nước tiểu qua hệ thống đường dẫn niệu…
II. Thế nào là suy thận?
Khi thận bị tổn thương hay bị bệnh các chức năng và cơ chế trên bị rối loạn, ảnh hưởng đến vai trò sinh lý bình thường của thận và khi không còn đủ sức bù trừ để duy trì sự ổn định các chỉ tiêu sinh học ở mức bình thường thì bị coi là thận đã bị suy.
Suy thận là hội chứng lâm sàng và sinh hóa tiến triển qua thời gian làm giảm sút mức lọc cầu thận dẫn đến ure và creatinin máu tăng cao.
Có 2 dạng suy thận là suy thận cấp và suy thận mạn
Suy thận cấp là hội chứng xuất hiện cấp tính do chức năng thận suy sụp nhanh chóng, biểu hiện bởi : Mức lọc cầu thận giảm sút nhanh chóng, bệnh nhân đái ít ( nước tiểu dưới 500ml/24h), có thể vô niệu và dẫn tới nguy kịch vì kali máu tăng hoặc vì hội chứng tăng ure huyết…
Suy thận mạn là một hội chứng giảm sút từ từ mức lọc cầu thận do xơ hoá và giảm dần số lượng các nephron chức năng dẫn đến ure và creatinin máu tăng cao, biểu hiện cả trên lâm sàng và xét nghiệm. Suy thận mạn là một quả trình tiến triển từ nhẹ đến nặng, tăng dần theo thời gian.
III..Chẩn đoán suy thận mạn tính:
Một người bệnh được coi là bị suy thận mạn tính khi có đủ các yếu tố sau:
1) Có tiền sử bệnh thận tiết niệu mạn tính, tái phát nhiều lần hoạc tiền sử bị luput, đái tháo đường.
2) Có phù (bệnh ở cầu thận ) hoạc không phù ( bệnh ở ống thận, kẽ thận)
3) Có thiếu máu, có thể có xuất huyết ( suy thận càng nhiều- thiếu máu càng nặng).
4) Có tăng huyết áp ( trên 80% bệnh nhân suy thận có tăng huyết áp).
5) Có protein niệu, trụ niệu.
6) Mức lọc cầu thận giảm ( <60ml/ 1 phút). Nitơ phi protein (ure, creatinin, a.uric) máu tăng cao.
Mức lọc cầu thận được xác định bằng độ thải sạch creatinin nội sinh vì creatinin máu được lọc qua cầu thận không bị tái hấp thu và rất ít được bài tiết thêm ở ống thận và cũng không chịu ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn ít hay nhiều chất đạm ( protein) do đó creatinin máu phản ánh khá chính xác mức lọc của cầu thận. Mức lọc cầu thận giảm thì độ thải sạch creatinin máu giảm và creatinin máu tăng cao. Thông thường mức lọc cầu thận trung bình khoảng 120ml/1phút và creatinin máu trung bình khoảng 90 micromol/lít (70-106 mỉcomol/lít). Khi mức lọc cầu thận giảm xuống 60ml/1phút và creatinin máu tăng lên >110 đến <130 micromol/lít thì đã bị coi là suy thận độ 1.
IV.Có thể chia mức suy thận thành các mức độ như sau:
Suy thận độ 1 Mức lọc cầu thận 60-41 ml/phút Creatinin máu 110-129 micromol/lít
Suy thận độ 2 Mức lọc cầu thận 40-21 ml/phút Creatinin máu 130-299 micromol/lít
Suy thận độ 3a Mức lọc cầu thận 20-11 ml/phút Creatinin máu 300-499 micromol/lít
Suy thận độ 3b Mức lọc cầu thận 10-05 ml/phút Creatinin máu 500-900 micromol/lít
Suy thận độ 4 Mức lọc cầu thận <5 ml/phút Creatinin máu >900 micromol/lít
V.Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người suy thận mạn tính:
1.Ăn ít chất đạm:
Chỉ ăn đủ lượng đạm cần thiết ở mức tối thiểu (người bình thường 1g đạm/kg thể trọng/ngày, suy thận độ 1 là 0,8g đạm/kg thể trọng/ngày, độ 2 là 0,6g, độ 3a là 0,5g, độ 3b là 0,4g, độ 4 là 0,3-0,2g/kg thể trọng/ngày). Sử dụng các loại đạm có giá trị sinh học cao, có đủ các acid amin cơ bản như đạm của sữa, trứng, cá, thịt nạc…( đạm từ thức ăn nguồn gốc động vật). Nếu ăn nhiều chất đạm, nhất là đạm thực vật sẽ đẩy nhanh quá trình xơ hoá cầu thận và suy thận, gây tăng ure máu và toan hoá máu. Ngược lại, nếu ăn ít chất đạm quá sẽ gây ra hiện tượng tự tiêu đạm và ure máu vẫn cứ tăng. Nếu cần bổ xung thêm đạm chuẩn ngoài thức ăn, có thể cho uống thêm các loại acid amin như moriamin, astimin, pharmaton…
2.Ăn giảm muối:
Chế độ ăn giảm muối chỉ dùng <2g , <4g hoặc <6g muối mỗi ngày tuỳ theo mức độ của bệnh, có nghĩa là chỉ nên dùng <1g Na, <1,5g Na, hay <2,5g Na mỗi ngày ( trong 100g muối NaCl có 39,3g Na, ion Na đóng vai trò quyết định trong việc giữ nước, cân bằng áp lực thẩm thấu, trao đổi ion, không phải là Clo).
Để ăn giảm muối có hiệu quả cần lựa chọn những thực phẩm có hàm lượng natri thấp, tránh ăn những thực phẩm có hàm lượng natri cao như hải sản tươi, khô hoặc đã qua chế biến, thực phẩm có sử dụng NaCl trong chế biến, bảo quản. Các hải thuỷ sản khô, đông lạnh, đóng hộp, các loại thực phẩm chế biến sẵn: batê, xúc xích, lạp xường, giò chả, bánh mỳ, dưa, cà muối, bánh đa nem...là những thứ có hàm lượng Na khá cao.
Để ăn giảm muối có hiệu quả cũng cần chú ý tới một số loại thuốc, dược phẩm có chứa lượng Na cao. Ví dụ NaBiCa (natri bi carbonat, natri hydro carbonat)- một loại thuốc muối chữa khó tiêu, đầy hơi, viêm loét dạ dầy hành tá tràng có công thức NaHCO3 - trong 100g có 27,38% Na, nghĩa là cứ uống 3g thuốc muối này tương đương với ăn vào 2g muối NaCL.
Hiện nay, xu hướng sử dụng mì chính thay thế muối ăn trong những trường hợp cần hạn chế muối cũng đang được khuyến khích. Mì chính ( monosodium glutamate- CH8NO4Na) có vị ngọt umami vừa dễ ăn vừa có hàm lượng Na thấp hơn muối ăn nhiều. Trong 100g mì chính có 13,6 g Na, nghĩa là nếu ta ăn 3g mì chính thì lượng Na ăn vào cũng mới chỉ bằng ăn 1g muối mà thôi.
3.Ăn đủ calo:
Nếu không ăn đủ năng lượng, sự giáng hoá ( tự tiêu huỷ) protein trong cơ thể sẽ tăng lên và ure máu cũng sẽ tăng. Chế độ ăn cần đủ calo nhưng lại phải bảo đảm ít đạm thực vật hoặc đạm có giá trị sinh học thấp có nghĩa là phải hạn chế ăn gạo, rau có nhiều đạm như rau muống, rau ngót, thay vào đó nên ăn nhiều miến dong, khoai củ có nhiều tinh bột nhưng ít chất đạm hơn. Nên ăn nhiều dầu thực vật và mỡ động vật ( nếu không có cholesterol , triglycerid máu cao) để có đậm độ calo nhiều hơn bằng cách tăng cường các món xào, rán, trộn dầu dấm…Ăn nhiều đường , mật các loại quả ngọt nếu không có đái tháo đường kèm theo. Đảm bảo đạt 35-40 Kcalo/kg thể trọng/ngày.
4.Bổ xung viên ketosteril:
Viên ketosteril chính là những alpha keto acid tương tự với acid amin dự kiến sẽ được tổng hợp từ amin của ure và từ các amin không thiết yếu có sẵn trong cơ thể. Mỗi viên ketosteril có đủ 10 acid amin cơ bản với 36 mg nitrogin và 50 mg calcium.
Một chế độ ăn ít đạm, đủ calo có dùng thêm ketosteril sẽ giúp cơ thể tạo thêm được các acid amin cần thiết và giảm được ure máu.
5.Chống thiếu máu bằng erythropoietin(EPO):
Trong suy thận mãn có khi hồng cầu chỉ còn 1,5 T/lit, huyết sắc tố (Hb) chỉ còn 50-60g/lit, hematocrit chỉ còn 0,2 do tuỷ không biệt hoá được hồng cầu từ tế bào tiền sinh hồng cầu và từ tế bào tiền hồng cầu non. Năm 1953 các nhà khoa học đã chứng minh được thận là nơi sản xuất nội tố EPO là nội tố kích thích sinh hồng cầu , nếu suy thận mạn tính EPO không dược sản xuất đày đủ gây thiếu máu nên cần được bổ sung, cùng với các chất khác nữa như a.folic, sắt, vitamin B12…
PGS.TS.BS.Trần Đình Toán
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng
Phó Chủ tịch TW Hội Người Giáo dục bệnh ĐTĐ Việt Nam