Menu
×

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA HỘI CHỨNG THẬN HƯ

Ngày đăng: 18/09/2021 In bài viết này

Hội chứng thận hư bệnh học xuất hiện khi thận bị tổn thương. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, tình trạng thoát protein niệu kéo dài sẽ gây ra một loạt bệnh lý và biến chứng nguy hiểm.

 

1. Hội chứng thận hư là gì?

Thận là một bộ phận quan trọng của cơ thể với chức năng đào thải các chất có hại và hấp thu lại những chất cần thiết, giúp kiểm soát huyết áp cũng như đảm bảo cung cấp máu đầy đủ. Khi chức năng lọc đặc trưng của thận bị rối loạn, sẽ dẫn đến tình trạng protein từ cơ thể thoát ra ngoài bằng đường nước tiểu với số lượng đáng kể. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể bị thiếu hụt trầm trọng protein, từ đó khó duy trì hoạt động sống và sinh hoạt bình thường.

Hội chứng thận hư là một căn bệnh lâm sàng và sinh hóa, hình thành khi cầu thận bị tổn thương vì nhiều yếu tố bệnh lý khác nhau. Triệu chứng phổ biến của hội chứng thận hư bệnh học là phù, protein niệu cao, protein máu giảm, rối loạn lipid máu, có thể bài trừ mỡ và đạm qua đường nước tiểu.

2. Nguyên nhân và chẩn đoán

  1. Nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư thứ phát bao gồm các yếu tố di truyền, rối loạn chuyển hóa bệnh tự miễn, bệnh ác tính, bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc chất từ thuốc hoặc ký sinh trùng. Ngoài ra, trước khi dẫn đến hội chứng thận hư, viêm hoặc xơ hóa cầu thận là căn bệnh thường gặp ở người lớn tại một số quốc gia đang phát triển.
  2. Để chẩn đoán hội chứng thận hư, ngoài dựa vào triệu chứng phù toàn thân điển hình, còn bắt buộc căn cứ trên các tiêu chuẩn sau đây:
  • Protein niệu > 3,5 g/24 giờ
  • Protein máu giảm < 60 g/lít, albumin máu giảm < 30 g/lít
  1. Ngoài ra, có thể xét nghiệm thấy tăng cholesterol máu ≥ 6,5 mmol/lít và có hạt mỡ lưỡng chiết hoặc trụ mỡ trong nước tiểu.

 

3. Biến chứng nguy hiểm của Hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư bệnh học là một tình trạng khá phức tạp, có nguy cơ kéo theo những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Tràn dịch màng: Dịch trong cơ thể sẽ len lỏi khắp nơi gây ra hiện tượng phù, sau đó là tràn dịch đa màng bao gồm cổ trướng (tràn dịch màng bụng), tràn dịch màng tinh hoàn, phổi hoặc thậm chí là tim.

  • Nhiễm trùng: Điều trị bằng thận hư bằng corticoid và thuốc ức chế miễn dịch lâu ngày sẽ gây nhiễm trùng nặng, khó kiểm soát. Các nhiễm khuẩn cấp và mạn tính phổ biến là viêm mô tế bào hoặc viêm phúc mạc.
  • Loét dạ dày tá tràng, loãng xương: Các biến chứng kéo theo này cũng xuất phát từ một số tác dụng phụ của các loại thuốc có trong phác đồ điều trị.
  • Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu: Protein trong máu giảm khiến gan phải tăng cường chức năng tổng hợp lipoprotein để bù đắp khiến cho lipid huyết tăng.
  • Tắc mạch (huyết khối/ cục máu đông): Khi albumin máu giảm nặng sẽ dẫn đến tắc tĩnh mạch thận cấp tính hoặc mãn tính. Ngoài ra, có trường hợp bệnh nhân bị tắc tĩnh động mạch chậu hay hiếm gặp hơn là tắc mạch phổi.
  • Suy thận cấp hoặc mạn tính: Hội chứng thận hư khiến cơ thể bị mất nước và chất điện giải, đặc biệt là albumin máu làm suy giảm chức năng thận. Đây là biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất của căn bệnh này, nếu trầm trọng bệnh nhân có thể phải chạy lọc thận hoặc thay thận.
  • Đái máu đại thể hoặc vi thể : Tình trạng nước tiểu có màu nâu hoặc đỏ, có thể nhìn thấy máu khi đi tiểu do chấn thương thận. Đái máu gặp ở hội chứng thận hư thể không đơn thuần.
  • Suy dinh dưỡng: Do lượng protein bị mất quá nhiều qua nước tiểu, tình trạng này kéo dài khiến cho cơ thể ngày càng suy kiệt.
  • Một số biến chứng có thể gặp khác bao gồm: Đái tháo đường, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tâm thần, hội chứng giả cushing, rối loạn điện giải,...

4. Điều trị hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư điều trị bao lâu hay hội chứng thận hư có chữa khỏi được không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân không may mắc phải tình trạng này. Trên thực tế, thận hư là một bệnh lý mạn tính, diễn tiến chậm, quá trình điều trị phức tạp và có thể bệnh nhân cần phải được theo dõi suốt đời. Để hạn chế sự phát triển của các triệu chứng và biến chứng, cần tuân thủ một số nguyên tắc chữa bệnh sau:

  • Ưu tiên điều trị tình trạng phù: Bệnh nhân có thể thay đổi chế độ ăn sao cho đảm bảo khẩu phần đủ protein (0,8-1g/kg/ngày + lượng protein mất qua nước tiểu). Bên cạnh đó, cần hạn chế dung nạp muối và nước khi bị phù nhiều.
  • Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung các dung dịch làm tăng áp lực keo như là Albumin hoặc dùng thuốc lợi tiểu. Liều dùng được điều chỉnh khác nhau tùy theo đáp ứng của mỗi bệnh nhân với thuốc.

  • Cần phải theo dõi số lượng nước tiểu, cân nặng hàng ngày và xét nghiệm điện giải đồ máu.
  • Trong điều kiện không thể sinh thiết thận có thể áp dụng theo phác đồ dùng Corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
  • Nếu bệnh nhân vẫn không đáp ứng, hoặc khó tránh khỏi tác dụng phụ của thuốc, nên chỉ định sinh thiết thận để điều trị theo tổn thương bệnh học.
  • Điều trị dự phòng một số tác dụng phụ của thuốc cũng như cân bằng nước, điện giải, đảm bảo bù đủ albumin.
  • Trong trường hợp điều trị hội chứng thận hư thứ phát cần xét theo nguyên nhân gây bệnh.

Hội chứng thận hư bệnh học không khó để chẩn đoán, nhưng có tính chất mạn tính và có thể tái phát. Do đó, nếu đã mắc bệnh, bệnh nhân cần tích cực phối hợp với bác sĩ để theo dõi và điều trị lâu dài theo đúng phác đồ. Để đề phòng hội chứng thận hư thì không nên sử dụng thuốc và các loại chất không rõ nguồn gốc sẽ gây độc cho thận.

TẠP CHÍ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG