Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Ảnh minh họa
Hỏi: Con trai tôi năm nay 7 tuổi. Cháu từng vài lần bị sốt xuất huyết, tay chân miệng… và bị sốt cao, khó hạ. Trong đó, có một lần lúc 5 tuổi cháu bị co giật, phải cấp cứu. Có cách nào để lần sau cháu bệnh đừng sốt quá cao nữa?
Những lần trước tôi có dùng thuốc hạ sốt và bắt con phải nằm nghỉ ngơi, nhưng hiệu quả không cao… Bây giờ đang là "mùa" của các căn bệnh trên, cháu lại vừa nhập học nên tôi rất lo lắng. Tôi còn một con trai nhỏ 3 tuổi nữa nên cũng muốn biết cách chăm sóc trẻ sốt để cháu đừng bị như anh. (Nguyễn Thị Mỹ Hà, 38 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM)
Trả lời: Đúng là các căn bệnh bạn vừa kể thường gây ra tình trạng sốt cao khó hạ. Nhiều bé sốt lên đến 39,5-trên 40 độ C, và có thể bị co giật.
Tuy nhiên với trẻ đã từng bị sốt cao, co giật, có khi ở nhiệt độ thấp hơn tình trạng co giật đã xảy ra rồi. Với nhóm trẻ đó, cách tốt nhất là khi thấy trẻ bắt đầu có dấu hiệu sốt, phải đo nhiệt độ thường xuyên và cho uống thuốc sớm, khoảng 38 độ nếu cặp nhiệt kế ở nách và chưa cộng thêm 0,5 độ là phải uống rồi.
Độ tuổi thường gặp tình huống sốt cao, co giật là 6 tháng đến 5 tuổi. Riêng con trai lớn của chị đã qua mốc tuổi này, nên nguy cơ giảm bớt nhiều, tuy nhiên rất cần đề phòng.
Có hai trường hợp: thứ nhất, sốt cao, co giật khoảng 24 giờ sau khi phát sốt thường là lành tính, trẻ sẽ qua khỏi mà không để lại di chứng; thứ hai, tình trạng co giật này còn có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh diễn tiến xấu đi, hoặc trẻ đang mắc các bệnh lý nguy hiểm, ví dụ như viêm màng não.
Sốt cao, co giật từ ngày thứ 3-4 của bệnh hoặc ở tuổi của con trai lớn của chị mà còn sốt cao, co giật thì rất có thể rơi vào tình huống nguy hiểm thứ hai. Và dù rơi vào tình huống nào đi nữa, trẻ đã sốt cao, co giật thì phải đưa ngay vào bệnh viện.
Thuốc hạ sốt thông thường có tác dụng sau khoảng 1 giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian này, bạn nên lau mát cho trẻ. Cách lau mát rất đơn giản: dùng nước hơi âm ấm lau cơ thể cho trẻ, tập trung vào các vùng nách, bẹn. Nhiều người hay đắp khăn ướt lên trán, điều này cũng tốt, nhưng vùng nách và bẹn vẫn là hai khu vực hiệu quả hơn cả. Lau mát có giá trị hạ sốt cao nhất trong khoảng 30 phút đầu của cơn sốt.
Ngoài ra, cha mẹ nên thấy mừng nếu trẻ sốt mà vẫn chơi đùa. Hãy để trẻ chơi, vì việc vận động, ra mồ hôi làm hạ sốt rất hiệu quả. Suy nghĩ "bệnh là phải nghỉ", bắt trẻ nằm một chỗ là không nên. Trẻ sốt cao mà không buồn chơi đùa nữa, không ăn uống được, nôn ói, tay chân lạnh... là những dấu hiệu nguy hiểm, phải được đưa đến bệnh viện ngay. Cũng đừng cố quấn trẻ trong nhiều lớp quần áo, chăn ấm. Trẻ cần được mặc quần áo cotton thoáng mát, như vậy mới dễ hạ sốt.