Menu
×

Viết cho Ngày Thầy thuốc

Ngày đăng: 28/02/2018 In bài viết này

SKNT - Cuộc sống này thú vị vì những điều không thể biết trước! Nghề Y này còn những thầy thuốc biết khóc biết cười cùng với bệnh nhân vì những điều có thể hy vọng và vì chúng ta cần nhau!

- Du, em có nhớ bệnh nhân nam tên A, 23 tuổi mà em cho nhập viện chiều thứ 3 không?

- Dạ nhớ, em ấn tượng lắm, vì chưa thấy người nhà nào giống như thế, mình ngồi giải thích bệnh, yêu cầu nhập viện mà họ lấy máy ghi âm ra ghi.

- Bệnh nhân đó chết rồi.

- Hả? Chết rồi hả chị?

- Viêm phổi mô kẽ dẫn đến suy hô hấp, cứu chữa không được.

- ...

- Người nhà bệnh nhân đó đã viết đơn kiện bệnh viện và bác sĩ. Họ nói con họ nhập viện trong tình trạng tỉnh táo khoẻ mạnh, điều trị hai ngày rồi báo chết.

- Trời, gì kì vậy. Bệnh đó nặng mà. Với lại trong nghề Y này, có bệnh cứu chữa được, có bệnh không mà.

- Họ không chấp nhận như thế. Nghe nói con một, mới du học bên Singapore về.

- Có lẽ họ còn đang choáng. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất đi người thân. Họ cần thời gian...

Ừ thì, cánh hoa nào cũng cần thời gian để bừng nở, vết thương nào cũng cần thời gian để chữa lành, con người nào, hiện tượng nào cũng cần thời gian để hiểu thấu, và luật nhân quả nào cũng cần thời gian để chứng nghiệm...

Chắc các anh chị đồng nghiệp tham gia điều trị bệnh nhân này, đang rất mệt mỏi và căng thẳng vì kiện tụng. Thật sự chẳng người thầy thuốc nào muốn bệnh nhân của mình ra đi. Họ luôn dồn hết tâm huyết để cứu chữa, nhưng y khoa luôn có giới hạn của nó. Thật sự là vậy.

Mình lại nhớ đến đêm trực cấp cứu tuần trước. Một bệnh nhân nữ 67 tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau đớn vật vã vì ung thư tuỵ giai đoạn cuối.

- Bác sĩ à, chúng ta không thể làm gì cho mẹ tôi sao? Nhiệm vụ của bác sĩ là cứu chữa mà. Mình hết nhìn bệnh nhân rồi nhìn người nhà... Rất đau lòng, nhưng không biết phải làm sao.

Bác sĩ - là người có kiến thức "nhất định" nào đó về bệnh tật về nỗi đau. Bác sĩ - không phải là Thượng Đế. Mình ra y lệnh Morphine và giải thích với người nhà rằng : Bệnh viện là nơi bệnh nhân đến để được chữa lành, cũng là nơi bệnh nhân đến để ... ra đi.

Lúc đó, tự dưng mình không muốn làm bác sĩ nữa, vì thấy bất lực kinh khủng. Mình tin chẳng bác sĩ nào muốn nói với người nhà của bệnh nhân rằng : bệnh nhân đã chết.... Cái chết khó chấp nhận lắm và đau đớn lắm. Nhưng ... Chúng ta là ai mà không bệnh không chết? Chúng ta mạnh mẽ và bất tử sao? Nền y học của chúng ta phát triển và có đủ thuốc điều trị cho tất cả các bệnh lý ư? Không hề. Nền y học hôm nay dù là đã phát triển vượt bậc, nhưng vẫn còn đó rất nhiều giới hạn. Sự hiểu biết của con người về chính cơ thể mình về vạn vật xung quanh vẫn còn rất sơ khai.

- Em biết sao không? Lúc ba anh phát hiện bị ung thư não - anh gần như bị choáng. Anh không thể nào chấp nhận được : tại sao lại là ba anh chứ? Tại sao lại là ung thư não không thể cứu chữa? Rồi sau đó anh tức giận chính mình : Mình là bác sĩ ngoại thần kinh mà để ba chết dần vì ung thư não... Nhưng từ từ rồi anh cũng nhận ra được ...

- Làm cách nào anh nhận ra được?

- Thì khi nghe tin người thân bệnh nặng, tử vong, chúng ta hay hốt hoảng mà quên. Ai cũng phải chết. Ai cũng có thể chết.

- ... - Em nhớ bác sĩ X 40 tuổi, trưởng khoa Y, bệnh viện Z không? Một bác sĩ tài năng và đức độ. Ông ta mổ ung thư đại tràng cho bà nội của anh. Ổng nói bà nội anh chỉ sống được khoảng 1 năm. Cuối cùng bà nội của anh sống được thêm 5 năm, còn ổng ba tháng sau mổ cho bà nội anh, ổng đã chết do đột quỵ.

- Ồ... - Em biết bác sĩ Trang chuyên về ung thư rất nổi tiếng không? Chị ấy cũng vừa mất do ung thư gan.

- ... - Bác sĩ K chuyên về gan, bị mắc cùng lúc viêm gan b và C. Đã tới giai đoạn ung thư gan.

- Ừ thì ... Ai rồi cũng bệnh, cũng chết. Nhưng để đón nhận điều đó một cách điềm tĩnh và thanh thản cần rất nhiều thời gian, anh he?

- Ừ em!

Hãy hiểu và thương những người thầy thuốc, bạn ạ. Y khoa cũng như cuộc sống rất bí ẩn, rất vi diệu, mà khả năng của con người thì nhỏ bé và giới hạn. Ngoài chiến đấu để giữ lại từng mạng sống và chữa lành bệnh tật cho bệnh nhân, họ còn phải chữa cho người thân và chính họ nữa. Có nhiều khi chúng ta quá đau lòng, khi người thân mất đi đột ngột ... Chúng ta lại đẩy người thầy thuốc về bên phía thù địch và nguyền rủa. Cuộc sống này thú vị vì những điều không thể biết trước! Nghề Y này còn những thầy thuốc biết khóc biết cười cùng với bệnh nhân vì những điều có thể hy vọng và vì chúng ta cần nhau! Thiệt!

BS Bảo Trung

Theo SKĐS