Menu
×

Bí quyết cho vết thương mau lành

Ngày đăng: 31/01/2018 In bài viết này

SKNT - Bệnh nhân N.T.D., 35 tuổi, đến khám bác sĩ do té xe có vết trầy nhỏ ở bắp chân hơn một tháng mà vết thương không lành. Nghe nói với người bệnh đái tháo đường, vết thương thường không lành, mà lại đang mắc bệnh đái tháo đường sợ quá nên bà đi khám. Cuối cùng bác sĩ tìm ra nguyên nhân do mỗi ngày vết thương của bà đều được rửa sạch bằng oxy già và thoa Cortibion

Vết thương kéo dài nhiều tháng

Trong cuộc sống không ít lần chúng ta bị những vết cắt, trầy xước, nếu được chăm sóc đúng cách vết thương sẽ mau lành, không để lại sẹo xấu. Mặc dù một vết thương thường khép miệng và có thể cắt chỉ trong 3-14 ngày, ở một vài vị trí có thể lâu hơn như da đầu, vùng cử động cọ xát nhiều như gối, khuỷu... nhưng quá trình lành vết thương sẽ vẫn kéo dài trong nhiều tháng.

Trước một vết thương chảy máu, việc chảy máu có tác dụng rửa sạch vết thương, chúng ta dùng áp lực đè lên vị trí vết thương để cầm máu bằng miếng vải sạch, gạc hay tờ giấy xốp trong 5-10 phút đến khi máu hết chảy. Nếu máu thấm ướt hết miếng gạc, bạn cũng không lấy ra mà tiếp tục dùng miếng gạc mới đè lên miếng cũ vì nếu lấy ra có thể làm máu chảy nhiều hơn. Một vết thương nhỏ thường tự cầm máu sau thời gian ngắn. Một vết thương ở đầu, mặt, miệng... có thể chảy nhiều máu hơn vì ở những vị trí này có nhiều mạch máu. Nếu vết thương ở tay hay chân bạn có thể nâng cao hơn vị trí của tim, làm giảm bớt chảy máu.

Nếu vết thương sắc gọn, nông có thể tự lành. Đối với những vết thương như vậy chỉ cần rửa sạch xung quanh vết thương bằng xà phòng, tránh để xà phòng chảy vào vết thương có thể gây kích ứng, sau đó băng lại bằng băng dính hay băng cá nhân.

Vết thương không được xử lý điều trị đúng cách sẽ rất nguy hiểm

Chú ý vết thương bị bụi bẩn

Nếu vết thương sâu, bờ nham nhở, có nhiều cát bụi, tốt nhất nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chăm sóc. Những vết thương như vậy cần được rửa sạch cát bụi, cắt lọc bỏ các mô chết và may lại mới mong lành sẹo và hạn chế nhiễm trùng. Nếu vết thương rỉ dịch, bạn cần thay băng mỗi ngày để vết thương được sạch, khô thoáng. Một số vết thương lớn mất nhiều da nên được phủ bằng gạc ẩm có tẩm vaseline hay dầu mù u giúp giảm sẹo xấu và lành vết thương nhanh hơn.

Nếu vết thương có ít mủ, mô chết thì nên thoa một ít pomade có pha kháng sinh sẽ giúp vết thương không bị nhiễm trùng, sạch sẽ và giữ ẩm, nhờ đó vết thương sẽ lành tốt hơn. Một khi miệng vết thương đã khép liền thì không cần thoa pomade hay thay băng nữa. Với một số vết thương có mày, tự chúng sẽ bong ra khi vết thương lành, nếu bạn cạy bỏ lớp mày này khi vết thương chưa lành sẽ làm chảy máu và có thể để lại sẹo xấu.

Sau khi được xử trí đúng cách bạn giữ vết thương cao hơn vị trí tim vài ngày sẽ giúp vết thương bớt phù nề và lành sẹo nhanh. Ví dụ với vết thương ở tay chân, tối ngủ bạn kê tay chân lên một cái gối. Kháng sinh thật sự chỉ cần thiết trong một số trường hợp như vết thương dơ có triệu chứng nhiễm trùng, sưng, nóng, đỏ, đau... Cần tránh để vết thương tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Một vết thương dơ có nguy cơ gây uốn ván, có thể dẫn đến tử vong do gây co cứng toàn thân và suy hô hấp. Bạn cần đến bác sĩ chích ngừa uốn ván nếu trước đó bạn chưa được tiêm ngừa đủ ba mũi chống uốn ván hay trong vòng năm năm qua bạn chưa hề chủng ngừa uốn ván.

Nếu vết thương sâu nhiều cát bụi nên đến trung tam y tế để được chăm sóc đúng cách

Vết thương sâu, lâu lành ở người bệnh đái tháo đường

Bàn chân đái tháo đường là bàn chân của các bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị các tổn thương bệnh lý gồm nhiễm trùng, loét, và/hoặc sự phá hủy các mô sâu liên quan tới các bất thường về thần kinh, một số giai đoạn của bệnh mạch máu ngoại vi và/hoặc các biến chứng chuyển hóa của đái tháo đường ở các chi dưới

Tổn thương thần kinh ngoại biên là một biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường, xuất hiện ở khoảng 50-70% bệnh nhân đái tháo đường. Các bệnh lý thần kinh do đái tháo đường làm ảnh hưởng đến các sợi thần kinh cảm giác, vận động và tự chủ. Tổn thương bệnh lý tại các sợi cảm giác khiến bàn chân không còn nhạy cảm với những kích thích đau thông thường vì vậy các vết loét thường xuất phát từ những chấn thương nhỏ. Tổn thương các sợi vận động gây yếu cơ, teo cơ và liệt nhẹ. Từ đó gây nên sự biến dạng bàn chân, do biến dạng bàn chân, từ đó xuất hiện những điểm tăng áp lực gây chai chân, chai dày kết hợp với đi nhiều dẫn đến tổn thương rách, viêm tổ chức lâu dần dẫn đến loét chân. Một vấn đề nữa của tổn thương thần kinh làm giảm tiết mồ hôi và gây thay đổi ở da làm giảm tính chất tự vệ của da đối với sự xâm nhập của vi sinh vật từ ngoài vào, da khô nứt nẻ tạo điều kiện nhiễm khuẩn bàn chân. Các vết loét bàn chân đái tháo đường tạo điều kiện cho nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân, gây ra nguy cơ lớn cho những bệnh nhân này do suy giảm đáp ứng miễn dịch. Nhiễm trùng là nguyên nhân quan trọng khiến bệnh nhân phải nhập viện và là một yếu tố nguy cơ của cắt cụt chi dưới. Việc cắt cụt chi không những gây tổn thất về mặt sức khỏe cho bệnh nhân mà còn gây ra các tổn thất về mặt kinh tế và xã hội đối với bệnh nhân và ngành y tế.

Vết thương ở bàn chân người bệnh đái tháo đường

Một số sai lầm

Để một vết thương mau lành chúng ta tránh một số sai lầm như bệnh nhân trên. Oxy già chỉ diệt khuẩn khi vết thương mới xuất hiện, hay chỉ rửa sạch khi vết thương dơ nhờ khả năng oxy hóa mạnh và tạo bọt đẩy những chất như cát, bụi, mủ, mô hoại tử từ trong các hốc sâu của vết thương ra ngoài. Phản ứng của oxy già tạo ra oxy nguyên tử có tính tẩy rửa và diệt khuẩn mạnh, đồng thời sinh nhiệt. Nhờ đặc tính này mà một vết máu dính trên áo quần hay vật dụng sinh hoạt dễ dàng bị tẩy trôi.

Còn Cortibion có chứa corticoide chỉ có tác dụng chống dị ứng như ngứa do chàm, chứ không có tác dụng trong điều trị vết thương vì gây ức chế quá trình tạo collagen, chất cần thiết cho sự lành sẹo.

Ngoài ra quá trình lành vết thương còn cần nhiều chất khác nhau như: đạm, béo, các vitamin A, C... một số loại thực phẩm như rau bồ ngót, diếp cá, các loại rau họ cải được đông y khuyên dùng. Đặc biệt nghệ rất cần cho sự tái tạo tế bào. Các nguyên tố vi lượng khác như selen, acid folic, kẽm... là những yếu tố vô cùng quan trọng cho quá trình lành vết thương. Chúng có nhiều trong các loài nhuyễn thể như hàu...

Một vết thương mãn tính, lâu lành chúng ta còn phải tìm kiếm một số nguyên nhân khác như đái tháo đường, viêm da thần kinh, bệnh tuyến giáp.

Phương pháp mới điều trị vết thương không dùng thuốc

Hiện nay nhờ khoa học hiện đại, Viện Vật lý, Thuộc Viện KHCN Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công chiếc máy dùng công nghệ tia plasma lạnh ứng dụng trong y tế để điều trị các vết thương hở. Do tác dụng của tia Plasma lạnh là diệt các vi khuẩn, kể cả vi khuẩn kháng thuốc và kích thích liền vết thương nên hiệu quả ứng dụng thực tế qua điều trị vết thương rất tốt: Vết thương sẽ giảm các dấu hiệu nhiễm khuẩn ngay từ lần đầu tiên, vết thương hoàn toàn sạch vi khuẩn sau 2-3 lần chiếu, Đối với các vết loét nhiễm khuẩn mạn tính thì thời gian chiếu khoảng 4-5 lần.

Với việc ứng dụng máy PlasmaMED vào điều trị, người bệnh sẽ không còn phải sử dụng các loại thuốc sát khuẩn, kháng sinh, khánh viêm... giảm bớt các chi phí trong điều trị.

Tia Plasma chiếu trực tiếp khiến vết thương mau lành

Lời khuyên:

Bạn nên đến bác sĩ khi có các dấu hiệu sau:

* Vết thương có bờ nham nhở. Vết thương ở vùng mặt. Hai bờ vết thương rộng, không thể khép dính vào nhau. Vết thương có nhiều cát bụi, chất bẩn. Vết thương sưng to và tấy đỏ. Vết thương rỉ nhiều dịch sệt màu xám nhạt.

* Bạn bị sốt. Bạn có cảm giác tê quanh vết thương. Bạn không thể đi đứng một cách thoải mái.

* Xuất hiện những vệt đỏ gần vết thương. Vết thương bị đâm sâu hoặc vết cắt sâu, dơ mà trong vòng năm năm bạn chưa được chích ngừa uốn ván. Vết thương máu chảy thành vòi, thấm nhiều qua băng mà sau 20 phút đè ép vẫn không cầm.

 

Theo Bs Lưu Kính Phương (tuoitre.vn)