Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Chị Lê Thị Lương 33 tuổi ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cho biết khi mang thai đứa con út ở tháng thứ tư, bác sĩ siêu âm 4 chiều phát hiện bào thai nhỏ hơn tiêu chuẩn. Bác sĩ yêu cầu mẹ uống thêm sữa và bổ sung dinh dưỡng theo chế độ đặc biệt, tuy nhiên trọng lượng thai nhi vẫn không cải thiện nhiều. Quá trình sinh nở sau đó diễn ra bình thường, bé gái Nguyễn Lê Phương Ánh chào đời khỏe mạnh dù chỉ nặng 2 kg.
30 ngày đầu sau sinh, bé phát triển bình thường, tăng một kg, mẹ rất mừng. Từ tháng thứ hai trở đi, chị Lương bắt đầu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở con. "Có tháng cháu không tăng được tý nào, chiều cao cũng không tăng", bà mẹ 8x chia sẻ.
Chị Lương và con gái.
Nghi ngờ con bị bệnh, chị Lương đưa bé đi khám ở các bệnh viện trong tỉnh, bác sĩ đều chẩn đoán bệnh nhi suy dinh dưỡng, đề nghị uống thêm sữa, bổ sung dưỡng chất, thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Người mẹ bế con lên Viện Nhi Trung ương khám cũng cho kết quả tương tự.
Đến nay bé Phương Ánh gần 30 tháng tuổi mà chiều cao và cân nặng đều thua xa trẻ cùng trang lứa. Con ngày càng gầy gò, chị Lương quyết định đưa vào TP HCM chạy chữa với hy vọng "chỉ cần con cao hơn được một cm cũng phải cố gắng".
Tiến sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, chẩn đoán bé Phương Ánh bị thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhi không thể phát triển như bình thường được. Hiện bé Phương Ánh có chiều cao chỉ bằng em bé dưới một tuổi.
Theo bác sĩ Loan, trẻ bị thiếu nội tiết tố tăng trưởng cần phải điều trị bằng cách bổ sung hormone thì mới đạt được chiều cao bằng hoặc hơn chuẩn.
Bác sĩ giải thích: Nội tiết tố tăng trưởng là hormone tiết ra từ tuyến yên ở não. Nội tiết tố này giúp các đầu xương ở trẻ dài ra, đồng thời có chức năng chuyển hóa. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng sẽ dẫn đến thấp còi, suy dinh dưỡng. Người lớn thiếu nội tiết tố tăng trưởng sẽ bị nhão cơ, mỡ tích đọng nhiều hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nội tiết tố tăng trưởng. Chẳng hạn như người không có tuyến yên hoặc tuyến yên không tiết đủ hormone tăng trưởng. Ngoài ra, một số bệnh lý bẩm sinh cũng gây ra tình trạng này, khiến đứa trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai, còi trong bụng mẹ.
Bác sĩ Loan khuyên phụ huynh có con nghi ngờ bị thấp còi do thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng không nên tự ý bổ sung hormone này mà cần được sự tư vấn và điều trị của bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Phương pháp bổ sung hormone chỉ áp dụng cho những trường hợp bị cạn kiệt nội tiết tố tăng trưởng. Bệnh nhân cần trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt tại bệnh viện để xác định liều lượng phù hợp tình trạng bệnh lý nhằm giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa mà không gặp tác dụng phụ.
Bác sĩ khuyến cáo, việc điều trị hormone cho trẻ thiếu nội tiết tố tăng trưởng cần được áp dụng càng sớm càng tốt và kéo dài đến 12 tuổi. Sau 12 tuổi, các đầu xương đã đóng lại nên việc việc điều trị cho bé sẽ không còn hiệu quả. Quá trình điều trị nội tiết tố cần kết hợp tăng cường vận động, ngủ đủ giấc, ăn uống.
Theo VnExpress.