Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Tưởng nhẹ nhưng không nhẹ
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc (Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM) cho biết: Bệnh nhân N.V.N (31 tuổi, ngụ TP.HCM) đến bệnh viện khám trong tình trạng vùng mặt, cổ và tay bị phỏng sâu, vết thương nặng do hóa chất tẩy rửa bồn cầu văng trúng.
Theo anh N., đây chỉ là chất tẩy rửa bồn cầu thông thường, được anh mua ở chợ về để làm vệ sinh, rửa bồn cầu trong nhà. Trong lúc đang lui cui chùi rửa, bất cẩn, anh bị chất tẩy rửa văng trúng. Cảm thấy nóng rát và vùng da bị trúng hóa chất bị phỏng thế là anh đến bệnh viện khám.
“Mặc dù bệnh nhân đến bệnh viện ngay nhưng vết phỏng đã trong tình trạng nặng. Lúc nhập viện, vùng da bị dính hóa chất phỏng trắng bệch. Qua ngày hôm sau, vùng da này đen (như cháy). Diện tích vết phỏng tuy không lớn nhưng đều phỏng sâu, vào tận lớp mỡ ở trong”, bác sĩ Ngọc đánh giá.
Bác sĩ Ngọc cho biết thêm, bệnh nhân được xác định phỏng do chất kiềm (ba-zơ) là thành phần của nước tẩy rửa.
Đây không phải làm trường hợp hiếm bệnh nhân bị phỏng do chất tẩy rửa nhà vệ sinh, bồn cầu. Bác sĩ Ngọc cho biết gần đây Bệnh viện Trưng Vương cũng tiếp nhận hai trường hợp phỏng do nước tẩy rửa nhà vệ sinh, bồn cầu, nạn nhân tưởng nhẹ “không có gì” nhưng thật ra rất nặng.
Đó là một bệnh nhân bị phỏng phần cẳng chân do đang lau sàn nhà thì bị nước tẩy rửa văng trúng. Bệnh nhân nghĩ không có gì nguy hiểm nên chỉ rửa sạch. Nhưng sau đó, vết phỏng ngày càng nặng. Bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tỉnh. Sau 10 ngày điều trị không khỏi, vết phỏng càng sâu và có nguy cơ hoại tử, bệnh nhân đã phải lên Bệnh viện Trưng Vương khám và điều trị.
Trường hợp khác là em bé (3 tuổi) bị phỏng nguyên phần mông sau khi ngồi lên bồn cầu vừa được tẩy rửa vệ sinh, mặc dù, bồn cầu đã được rửa, lau chùi phần nước tẩy.
Phỏng kiềm còn nguy hiểm hơn a-xít
Theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương: Các ca phỏng chất tẩy rửa này, sau khi điều trị khỏi, đều để lại sẹo rất ghê. Bệnh nhân phải cắt lọc phần da thịt đã bị hoại tử và có thể phải tiến hành ghép da. Việc điều trị phỏng, sẹo do phỏng hóa chất đều mất thời gian lâu dài và khó khăn.
"Điều đáng lưu ý là tất cả các trường hợp phỏng trên đều là do chất tẩy rửa, làm vệ sinh thông thường, được người dân mua ở chợ để về chùi rửa trong nhà”, bác sĩ Ngọc cho biết.
Theo bác sĩ Ngọc, các chất tẩy rửa đều là dung dịch a-xít, kiềm. Các hóa chất này khi bắn vào da đều gây phỏng. Vết phỏng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào nồng độ của hóa chất và vị trí bị phỏng.
“Đặc biệt, bị phỏng do kiềm còn nguy hiểm hơn phỏng do a xít”, bác sĩ Khanh đánh giá.
Bác sĩ Khanh giải thích: A xít làm cháy và "ăn" da thịt tại chỗ, vết phỏng chỉ khu trú tại vị trí dính hóa chất. Trong khi đó, chất kiềm làm mềm mô, cháy mô. Vết phỏng do chất kiềm lại “ăn lan”, ngày càng sâu và còn diễn tiến 2-3 ngày sau khi bị dính hóa chất.
Vì vậy, nhiều trường hợp phỏng kiềm càng ngày càng nặng mà bệnh nhân không biết.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên cẩn thận khi sử dụng các hóa chất tẩy rửa trong gia đình: Cần phải biết nồng độ hóa chất. Khi sử dụng nên pha loãng. Nên sử dụng găng tay, mang giầy, đặc biệt là kính bảo hộ mắt, mặc quần áo che kín không để hở phần da. Cẩn thận khi làm vệ sinh tránh hóa chất văng vào người.
Đối với phỏng hóa chất, sơ cứu tại chỗ rất quan trọng. Khi bị hóa chất văng trúng, người dân phải xối rửa ngay vùng bị phỏng bằng nước sạch (nước máy) càng nhiều càng tốt, để pha loãng, rửa sạch hóa chất. Xối rửa liên tục khoảng 15-30 phút. Tuyệt đối, không rửa bằng nước đá lạnh.
Tuyệt đối không rửa bằng xà bông hay chất gì khác, không bôi bất cứ loại kem hay chất gì lên vết phỏng.
Sau đó, mới đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.
“Đặc biệt lưu ý, với phỏng vôi, nạn nhân không được xối nước, mà phải lau khô, phủi sạch hết bột vôi, sau đó mới được rửa nước”, bác sĩ Khanh lưu ý thêm.
Theo Thanh niên
Plamsma phương pháp điều trị mới cho các vết thương, vết bòng