Menu
×

Chẩn đoán và điều trị hạ Natri máu

Ngày đăng: 25/08/2020 In bài viết này

Hạ Natri máu nằm trong nhiều bệnh cảnh và bệnh nhân thường trong tình trạng không điển hình hoặc tình cờ đi khám phát hiện. Tùy nguyên nhân, tính chất và mức độ mà bệnh nhân được điều trị theo phác đồ phù hợp

Hạ natri máu là gì?

Hạ natri máu xảy ra khi nồng độ natri trong máu thấp hơn ngưỡng bình thường 135 - 145 mEq/L. Natri có vai trò giúp duy trì huyết áp bình thường, hỗ trợ hoạt động của các dây thần kinh, cơ bắp và điều chỉnh cân bằng lượng nước trong và ngoài tế bào.

Nguyên nhân thường gặp

Hạ Natri máu là tình trạng phổ biến thường gặp trên lâm sàng, có nhiều nguyên nhân gây hạ Natri máu, dựa vào áp lực thẩm thấu máu (mức bình thường 275 - 290 mOsmol/l) chia ra:

+ Hạ Natri máu giảm áp lực thẩm thấu máu có thể tích ngoại bào tăng.

+ Hạ Natri máu với thể tích dịch ngoại bào bình thường.

+ Hạ Natri máu có giảm áp lực thẩm thấu máu với thể tích dịch ngoại bào giảm.

+ Hạ Natri máu giả tạo: Trong các trường hợp như tăng lipit máu, tăng protein máu, tăng đường máu, truyền mannitol.

+ Hạ Natri máu có thể tích dịch ngoại bào tăng trong suy tim, xơ gan cổ chướng, hội chứng thận hư mất protein.

- Hạ Natri máu với thể tích dịch ngoại bào bình thường do pha loãng gặp trong hôi chứng tiết ADH không thỏa đáng trong các bệnh cận ung thư, bệnh lí thần kinh trung ương: sau đột quỵ não, viêm não hoặc suy giáp, suy vỏ thượng thận và dùng lợi tiểu nhóm thiazid.

- Hạ natri máu kèm theo giảm thể tích dịch ngoại bào (hay mất natri nhiều hơn mất nước) chia làm 2 loại:

+ Mất qua thận: do dùng lợi tiểu, suy thượng thận, giai đoạn đái trở lại của suy thận cấp, bệnh thận kẽ.

+ Mất ngoài thận: bệnh nhân mất qua tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, dò tiêu hóa; bỏng, mồ hôi, chấn thương.

Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng cơ năng thường gặp: chán ăn, buồn nôn, nôn, sợ nước. Nặng hơn là mệt mỏi, đau đầu, lẫn lộn, u ám, mê sảng, rối loạn ý thức, hôn mê, cơn co giật.
Các triệu chứng của tăng thể tích nước ngoài tế bào (phù, cổ chướng) hoặc mất nước ngoài tế bào (giảm cân, da khô, nhăn nheo,…) kèm theo có giá trị để chẩn đoán nguyên nhân.

Những đối tượng có nguy cơ

- Các bệnh nhân có bệnh mạn tính: suy thận, suy tim, xơ gan…;

- Các bệnh nhân có tình trạng mất dịch cấp: nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, say nóng,…;

- Các bệnh nhân điều trị các thuốc lợi niệu;

- Các bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến tuyến hocmon trong cơ thể.

Điều trị

Dựa vào nguyên nhân, tính chất và mức độ của hạ Natri máu mà bệnh nhân được điều trị theo các hướng thích hợp:

- Với những bệnh nhân ứ nước như trong suy tim, suy thận thì hạn chế nước và muối.

- Với những bệnh nhân hạ Natri nặng có tình trạng mất dịch: bù chủ yếu là dung dịch muối đẳng trương.

- Với những bệnh nhân hạ Natri máu nặng có thể tích dịch ngoại bào bình thường khi bù muối ưu trương với hạ Natri máu không thiếu dịch cần tính toán và điều chỉnh liều Natri máu tăng lên không quá 0,5 Meq trong 1 giờ và 10 Meq trong 24 giờ. Với biến chứng như  tiêu cơ vân, co giật, tổn thương thần kinh trung ương do phù não có thể bù Natri máu lên 2 - 3 Meq trong giờ đầu, tuy nhiên cũng không quá 12 Meq trong 24 giờ, khi bù quá nhanh Natri có thể dẫn đến tổn thương thần kinh do hủy myelin.

Lời khuyên từ bác sĩ

Hạ Natri máu nằm trong nhiều bệnh cảnh và bệnh nhân thường trong tình trạng không điển hình hoặc tình cờ đi khám phát hiện. Do đó, kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm tổng quát là cần thiết, đặc biệt những người có bệnh mạn tính hoặc điều trị nhiều thuốc.

Với những người nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần có thể bù dịch và điện giải qua chế phẩm oresol là giải pháp an toàn.

Khi có các biểu hiện lâm sàng như mất nước hoặc triệu chứng nặng như ảnh hưởng đến ý thức nên lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

TẠP CHÍ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG