Menu
×

Công nghệ Plasma: Cần được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống y tế trên cả nước

Ngày đăng: 26/02/2018 In bài viết này

SKNT - Đây là một trong những ứng dụng mới trong y học nhằm điều trị các vết thương ngoài da, dù các vết thương nhỏ hay vết loét sâu lâu liền do nhiều nguyên nhân như: lở loét do bệnh lý gout, đái tháo đường, hay do khách quan như người bệnh bị bỏng da, tai nạn gây tổn thương da, các vết phẫu thuật… đều được xử lý nhanh chóng hiệu quả với mức chi phí hợp lý.

Công nghệ mà chúng tôi đang nói tới là công nghệ Plasma, với việc sử dụng tia plasma lạnh tiêu diệt các vi khuẩn đặc biệt là các loại vi khuẩn kháng thuốc, đồng thời kích thích liền vết thương. Sau khi chiếu tia plasma lạnh vào vết thương sẽ giảm ngay các dấu hiệu nhiễm khuẩn ngay từ lần đầu tiên, và sẽ hoàn toàn sạch vi khuẩn trong khoảng 3 lần chiếu. Riêng đối với các vết thương sâu, loét mãn tính thì thời gian chiếu sẽ tăng lên khoảng 5 lần. Việc ứng dụng công nghệ plasma trong y học đã được các nhà khoa học y học trên thế giới từ lâu, song ở Việt Nam công nghệ plasma, đặc biệt là chiếc máy PlasmaMED lần đầu tiên được các nhà khoa học tại Viện Vật lý, thuộc Viện KHCN Việt Nam sáng chế là bước tiến đầu tiên trong việc sử dụng công nghệ Plasma vào hoạt động khám chữa bệnh. So với việc điều trị vết thương bằng kháng sinh tia plasma đã thể hiện được rõ tính ưu việt bởi hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn nhanh, kích thích liền vết thương, điều đặc biệt là chi phí điều trị rất rẻ so với việc sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc liền vết thương, không có tai biến, biến chứng khi dùng plasma lạnh với liều chiếu y tế đã được nghiên cứu rõ ràng.

Các vết mổ bị nhiễm khuẩn rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời

Để tìm hiểu thêm về công nghệ này, đầu xuân năm mới chúng tôi có cuộc gặp gỡ với bệnh nhân Nguyễn Thành Toàn 52 tuổi (Thủ Đức – TP. Hồ Chí Minh), người đã được điều trị thực tế bằng công nghệ plasma lạnh. Ông chia sẻ mình đã sống chung với căn bệnh Gout 15 năm nay. Khoảng tháng 7/2017 khi thăm khám bác sĩ phát hiện ông bị nhiễm trùng thể Tophi gối (P) và được chỉ định phẫu thuật tại bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau khi phẫu thuật vết thương của ông sưng đau, rỉ dịch, có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử. Cộng thêm chế độ ăn uống kiêng khem của người mắc bệnh gout lâu năm nên tình trạng vết thương của ông ngày càng nghiêm trọng dù đã uống nhiều thuốc kháng sinh, có những lúc được bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh ở mức tối đa 2 lọ tiêm truyền/ngày. Sau nhiều nỗ lực kiểm soát vết thương nhiễm trùng bằng thuốc, bệnh nhân được các bác sĩ chuyển sang sử dụng tia plasma lạnh trực tiếp vào vết thương. Không ngờ kết quả sau 3 lần chiếu, tình trạng nhiễm trùng, rỉ dịch và sưng tấy giảm rõ rệt, vết thương bắt đầu liền ông đã thấy dễ chịu hơn không còn đau đớn như ban đầu. Các bác sĩ cho biết sau khi được điều trị bằng tia plasma các mô hạt tại vết thương lên nhanh, cấu trúc chắc chắn, màu sắc đẹp hồng hào điều đó cho thấy việc điều trị vết thương đang tiến triển rất tốt. Sau lần chiếu thứ 7, ông  được chỉ định ghép da và thành công, được xuất viện sau thời gian dài điều trị. Ông chia sẻ ban đầu khi được điều trị bằng các loạt thuốc uống, tiêm, truyền đều chưa khả quan ông cảm thấy rất lo lắng, sau đó bác sĩ nói sử dụng tia plasma ông cũng chưa hiểu lắm nhưng vì ông tin tưởng vào bác sĩ và cũng không ngờ vết thương của mình lại liền mà không phải uống thuốc.

Tia plasma lạnh thể hiện tính ưu việt trong điều trị vết thương

Bệnh nhân Nguyễn Thành Toàn là một trong số nhiều bệnh nhân nặng đã sử dụng thực tế điều trị vết thương bằng công nghệ plasma. Và hiện nay công nghệ plasma đang được nhiều bệnh viện lớn sử dụng trong khám chữa bệnh, tuy nhiên vẫn cần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ này trên cả nước, đặc biệt là các bệnh viện tuyến tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ plasma sẽ giảm rất nhiều chi phí điều trị cho người bệnh đặc biệt là người bệnh tại các vùng nông thôn điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Thu Trang