Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Đái tháo đường – Những điều bạn cần phải biết
1. Bệnh Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính: Tăng glucose máu; Kết hợp với những bất thường về chuyển hóa carbonhydrat, lipid và protein; Bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch khác.
2. Phân loại bệnh Đái tháo đường
Bệnh ĐTĐ được chia làm các týp chính như sau :
- Đái tháo đường týp 1 : Loại bệnh ĐTĐ này thường gặp ở trẻ em, nhưng cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành. Người mắc Đái tháo đường týp 1, cơ thể không thể sản xuất insulin. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn đã tấn công các tế bào bêta trong tuyến tuỵ làm cho tế bào này không còn sản xuất được insulin. Khi không có in-sulin cơ thể sẽ không sử dụng được glucose, do đó glucose trong máu sẽ tăng rất cao. Người bệnh cần được tiêm insulin để duy trì cuộc sống.
- Đái tháo đường týp 2 : Đây là loại ĐTĐ thường gặp, chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 90%). Giai đoạn đầu, ở người bệnh ĐTĐ týp 2, tế bào bêta tụy vẫn còn sản xuất insulin, nhưng các tế bào của cơ không thể sử dụng nó để đưa glucose vào trong tế bào nơi chuyển hóa glucose thành năng lượng để nuôi cơ thể (hiện tượng đề kháng insulin). Bệnh tiến triển dần dần, theo thời gian, glucose sẽ tăng cao trong máu. Bệnh thường liên quan đến béo phì và ít vận động, béo phì và ít vận động làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ĐTĐ týp 2.
- Đái tháo đường thai kỳ : Thể ĐTĐ xảy ra ở phụ nữ mang thai và đa số bệnh tự hết sau khi sinh. Tuy vậy, nếu mắc ĐTĐ thai kỳ có thể gây ra các vấn đề trong quá trình mang thai. Phụ nữ mắcĐTĐ thai kỳ có nhiều khả năng phát triển thành bệnh ĐTĐ týp 2 sau này.
- Các thể đái tháo đường khác : Do sỏi tụy, do thuốc, hóa chất, do các bệnh nội tiết khác,...
3. Khi nào được chẩn đoán là ĐTĐ?
3.1. Để chẩn đoán ĐTĐ bắt buộc phải làm xét nghiệm đường máu. Trong trường hợp chẩn đoán sớm, người ta phải làm nghiệm pháp tăng đường máu
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, có 4 tiêu chí để chẩn đoán bệnh ĐTĐ như sau:
1) Đường huyết tương lúc đói (tối thiểu là 8 giờ sau ăn) >=7mmol/L (126mg/dl).
2) Đường huyết tương giờ thứ hai sau nghiệm pháp tăng đường máu >= 11,1mmol/L (200mg/dl).
3) Đường huyết tương ở thời điểm bất kỳ >=11,1mmol/L (200mg/dl), nhưng kèm theo các triệu chứng uống nhiều, đái nhiều và gầy sút.
Để chẩn đoán xác định ĐTĐ nhằm điều trị, các xét nghiệm cần phải làm ở một ngày khác.
Như vậy việc chẩn đoán bệnh ĐTĐ phải được thực hiện ở các cơ sở y tế và được các bác sĩ (nhất là bác sĩ chuyên khoa) kết luận.
4) Vấn đề HbA1c: Tiêu chí chẩn đoán ĐTĐ, tiền ĐTĐ dựa vào HbA1c theo ADA cập nhật năm 2012 đã được WHO, IDF công nhận, khuyến cáo năm 2016: chẩn đoán ĐTĐ khi chỉ số HbA1c >=6,5%; chẩn đoán mắc tiền ĐTĐ khi HbA1c từ 5,7% đến 6,4%. Xét nghiệm phải được tiến hành trong một cơ sở xét nghiệm sử dụng phương pháp xét nghiệm đã được Chương trình Chuẩn hóa Glycohemoglobin Quốc gia NGSP cấp giấy chứng nhận và chuẩn hóa theo kỹ thuật xét nghiệm dụng trong nghiên cứu DCCT.
3.2. Ngày nay, người ta đang dùng mọi cách để chẩn đoán sớm bệnh ĐTĐ, biện pháp tốt nhất là tìm cách phát hiện bệnh ở những người có các yếu tố nguy cơ, để có biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế sự phát triển của bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phát hiện ĐTĐ ngay từ thời kỳ tiền ĐTĐ để điều trị và dự phòng mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho cộng đồng và xã hội.
3.3. Để chẩn đoán ĐTĐ không cần tiêu chuẩn có đường trong nước tiểu. Trong thực tế lâm sàng, người bệnh có đường trong nước tiểu thường là ở giai đoạn muộn, đôi khi đã kèm theo biến chứng, nhất là người mắc bệnh ĐTĐ týp 2. Đây là điểm cần nhấn mạnh vì không chỉ bệnh nhân, mà ngay cả các thày thuốc nhiều nơi vẫn lấy tiêu chuẩn đường niệu làm tiêu chuẩn chính để chẩn đoán bệnh.
Tạp chí Đái tháo đường